Cách đây gần 2 năm mỗi con bò cái giống có hình dạng đẹp sẽ có giá ít nhất từ 35 – 40 triệu đồng. Chỉ cần đẻ ra một con bê cái con chất lượng tốt thì sẽ thu về được từ 60 – 70% giá trị con mẹ. Lợi nhuận quá hấp dẫn nên các chủ trang trại bò đã quyết định gia tăng đàn bò cái sinh sản. Khi đó nguồn cung tại địa phương rất khan hiếm nên buộc các chủ trang trại phải thu gom từ nhiều nguồn khác nhau. Tất cả các khâu từ chăm sóc đến nguồn thức ăn đều không chủ động nên chi phí đầu tư cho đàn bò ngày càng lớn. Vì vậy khi giá bò giống sụt giảm và sức tiêu thụ giảm lại thì trại bò gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài những trại đầu tư lớn thì nhiều hộ nuôi bò nhỏ lẻ cũng đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Không ít trường hợp sau gần 2 năm nuôi bò mẹ đã đẻ bê con nhưng cho dù bán cả 2 cũng không thu hồi được vốn mua con mẹ ban đầu.
Giá bò có xu hướng sụt giảm từ giữa năm 2015 đến nay là xu thế chung của vùng, tuy nhiên giảm mạnh nhất vẫn là giá bò cái giống còn giá bò thịt vẫn duy trì ở mức ổn định, diễn biến vẫn theo quy luật cung cầu thịt bò tươi trên thị trường. Đây cũng chính là lời giải thích tại sao hiện nay nhiều người nuôi bò bị thua lỗ do giá cả sụt giảm nhưng giá thịt bò trên thị trường thì vẫn không sụt giảm tương xứng.
Huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre từ lâu đã được xem là nơi đàn bò có chất lượng thịt tốt nhất đồng bằng sông Cửu Long. Theo nhiều bà con ở đây cho biết cách đây gần 2 năm thời điểm sốt giá rất nhiều nơi đã đổ xô về đây mua bò giống. Nhu cầu tăng vọt trong khi nguồn cung hạn chế nên nhiều người đã đẩy giá bò giống lên cao bất thường, thậm chí bò kém chất lượng không thích hợp làm cái giống vẫn được thu mua để cung ứng cho các tỉnh như Vĩnh Long, Trà Vinh… Chạy theo phong trào không kiểm soát được chất lượng con giống đã làm cho nhiều người đầu tư vội vàng bị thua lỗ nặng khi thị trường bò đã qua cơn sốt con giống.
Như vậy có thể khẳng định việc nhiều bà con nông dân nuôi bò bị thua lỗ như trong thời gian qua là do đầu tư chăn nuôi ở thời điểm giá con giống quá cao vượt xa so với giá trị thật. Hiện thị trường bò thịt và bò giống đang diễn biến trở lại theo đúng quy luật cung cầu. Vấn đề quan trọng là người chăn nuôi cần phải rút những bài học kinh nghiệm từ những thiệt hại vừa qua nếu muốn phát triển kinh tế nông hộ từ nghề chăn nuôi bò.
Qua những trường hợp nuôi bò kém hiệu quả cho thấy bên cạnh việc chạy theo giá ảo của thị trường bò giống rất nhiều bà con còn quyết định đầu tư mà chưa nắm vững kỹ thuật chăn nuôi. Rất nhiều bà con có suy nghĩ là miễn sao mua được con giống tốt về là được còn các kỹ thuật khác như chăm sóc, quản lý dịch bệnh, chế độ dinh dưỡng, phương pháp chăn nuôi sinh sản thì lại không được quan tâm đúng mức.
Do những hạn chế về diện tích chăn thả, năng lực đầu tư, thị trường thiếu ổn định nên theo nhiều chuyên gia thì nghề nuôi bò thịt nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long nên phát triển theo hình thức lấy công làm lời, tận dụng lao động nhàn rỗi, nguồn phụ phế phẩm tại chỗ. Hướng đi này vừa tiết giảm chi phí, vừa giảm thiểu được rủi ro do biến động thị trường như trường hợp tại huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre nơi có số lượng đàn bò trong nông hộ lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với số lượng lên tới 90.000 con.
Để có thu nhập từ nghề nuôi bò người dân nơi đây đã khai thác triệt để những diện tích đất canh tác kém hiệu quả để trồng cỏ tạo nguồn thức ăn phong phú cho bò. Tất cả lượng rơm rạ từ sản xuất lúa đều được tận dụng để làm thức ăn dự trữ. Tùy vào năng lực kinh tế, công lao động của mỗi gia đình mà quyết định quy mô đàn thích hợp phần lớn đều duy trì một lượng bò cái giống thích hợp để nhân nuôi giảm thiểu chi phí đầu tư con giống.
Nhờ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vỗ béo cũng như bò sinh sản, cải thiện chất lượng cái nền nên thu nhập từ nghề chăn nuôi bò ở đây rất ổn định. Khi phong trào phát triển sẽ kéo theo các dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi phát triển, thậm chí nguồn phân bò cũng được tiêu thụ tốt góp phần giúp cho bà con có thêm chi phí đầu tư lại cho chăn nuôi.
Hiện nhu cầu tiêu thụ thịt bò đang có xu hướng tăng nhanh do sản xuất trong nước không đáp ứng nên những năm gần đây nước ta đã nhập bò thịt từ nhiều quốc gia về vỗ béo, giết thịt cung ứng nhu cầu. Trước mắt việc làm này đã góp phần ổn định cung cầu trên thị trường, chưa ảnh hưởng nhiều tới giá bò thịt trong nước. Tuy nhiên theo hiệp hội chăn nuôi Việt Nam về lâu dài lượng bò nhập khẩu sẽ có tác động không nhỏ đến ngành chăn nuôi trong nước đặc biệt đối với nhiều địa phương không có lợi thế về chăn nuôi đại gia súc như đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài giá thành thấp, sản lượng lớn thì những giống bò nhập về giết thịt còn vượt trội đàn bò trong nước về chất lượng giống. Chính vì vậy để nâng cao hiệu quả ngành nuôi bò quy mô nông hộ thì vấn đề quan trọng hàng đầu là cần phải có những chiến lược cải thiện tầm vóc, chất lượng của đàn bò thịt trong nước. Theo các chuyên gia hiện nay toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu đàn bò giống đúng chuẩn để cung ứng cho nhu cầu chăn nuôi ở các địa phương.
Từ thực tiễn sản xuất và thách thức của quá trình hội nhập, các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu quả nuôi bò ở nông hộ. Các chương trình đang mang lại hiệu quả như cải tạo chất lượng đàn bò từ gieo tinh nhân tạo, chuyển đổi các vùng canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò, chế biến nguồn phụ phế phẩm làm thức ăn chăn nuôi. Tín hiệu tích cực tại nhiều địa phương đã xuất hiện những trại bò giống được đầu tư khá bài bản để góp phần cải thiện chất lượng đàn bò ổn định nguồn cung, giảm thiểu được những rủi ro do nhu cầu giống không rõ nguồn gốc.
Thực tế cho phép khẳng định nếu không chạy theo phong trào, chủ động nguồn con giống, thức ăn, kiểm soát tốt dịch bệnh thì hoạt động chăn nuôi bò quy mô nông hộ thời gian qua vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà con nông dân cần bình tĩnh, tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến để nâng cao hiệu quả chăn nuôi bù đắp lại sự thiệt hại do mua con giống quá cao. Về lâu dài ngành chuyên môn cần tiếp tục có những chương trình để nâng cao chất lượng con giống, cải tiến quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động cạnh tranh trước các sản phẩm ngoại nhập. Chăn nuôi bò vẫn là một biện pháp để cải thiện và gia tăng thu nhập cho nông hộ một cách bền vững nếu xác định đúng năng lực và có phương án đầu tư chăn nuôi hợp lý.