Hướng dẫn bà con cách phòng và trị bệnh ký sinh trùng đường máu ở trâu bò hiệu quả
Biểu hiện của bệnh
Trâu bò bị bệnh sẽ đi lại khó khăn, kén ăn, phân lỏng, viêm mạc mắt nhợt nhạt, thể trạng yếu ớt (do bệnh ký sinh trùng đường máu làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hồng cầu, bạch cầu, tiêu cầu khiến trâu bò chết rất nhanh).
Triệu chứng của bệnh nhẹ có thể khiến trâu bò đi lại khó khăn 1 chân sau đó dần dần là 2 chân rồi sẽ không đi lại được nữa do độc tố ký sinh trùng đường máu tác động lên hệ thần kinh làm cho hệ thần kinh cơ bị tê liệt. Nếu như trâu bò có dấu hiệu này bà con cần phải có biện pháp điều trị kịp thời nếu không trâu bò sẽ bị bại liệt hoàn toàn sau đó sẽ bị chết.
Khi trâu bò bị bệnh này nếu bà con không can thiệp kịp thời thì trâu bò sẽ bị suy kiệt về sức làm cho cả đàn gia súc xung quanh bị lây lan mầm bệnh gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh ký sinh trùng đường máu do 1 loại đơn bào gây nên, các đơn bào có dạng hình thoi, sinh sản vô tính bằng phương pháp nhân đôi theo chiều dọc nhiều lần.
Khi bị ruồi hoặc mòng mang mầm bệnh đốt vào trâu bò sẽ mang mầm bệnh, thời gian ủ bệnh từ 4 đến 6 ngày. Trong những điều kiện thuận lợi như sức khỏe trâu bò yếu, điều kiện chăn nuôi vệ sinh kém hoặc chuyển vùng thì trâu bò sẽ phát bệnh ở thể cấp tính hoặc mãn tính.
Chính vì mầm bệnh tồn tại rất lâu khi gặp điều kiện thuận lợi có thể lây lan ra toàn đàn và làm chết trâu bò. Vì vậy mà bà con cần phải có cách phòng trị kịp thời và triệt để.
Cách điều trị
Có thể dùng thuốc Naganin hoặc Naganol hoặc thuốc đang phổ biến trên thị trường là Azidin, dùng các loại thuốc điều trị hòa loãng 10% bằng các dung dịch như đường Gluco hoặc nước cất, tiêm vào tĩnh mạch trâu bò, liều điều trị là từ 3 – 5 ngày, bệnh nặng thì cần điều trị trong vòng 5 ngày, bệnh nhẹ thì trong vòng 3 ngày.
xem thêm: Kỹ thuật tiêm cho bò
Bên cạnh dùng thuốc kháng sinh để điều trị thì bà con cần trợ sức, trợ lực cho trâu bò bằng các loại thuốc bổ như vitamin hoặc b-complex hoặc truyền đường gluco.
Chú ý không tiêm các loại thuốc cùng 1 vị trí dễ gây phù nề cho trâu bò, bà con cần đổi bên cổ khi tiêm các loại thuốc khác nhau.
Ngoài ra bà con cần quét vôi chuồng trại hàng năm, định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại và môi trường xung quanh hàng tháng.
Nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng trị trên thì bệnh ký sinh trùng đường máu sẽ không thể gây hại cho đàn trâu bò của bà con.