Tốt nghiệp với bằng cử nhân quản trị kinh doanh với công việc ổn định mức lương trên 10.000.000 đồng/tháng tại thành phố Hồ Chí Minh. Về quê nhà tại xã Gia Hiệp,huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng lập nghiệp bằng nghề nuôi dê. Trải qua nhiều khó khăn từ việc hàng xóm kỳ thị, bản thân lại không hề am hiểu về kỹ thuật chăn nuôi khiến dê bị bệnh chết. Thế nhưng không nản lòng, cùng sự quyết tâm khao khát làm giàu anh đã vượt qua khó khăn, đến nay anh đã sở hữu trang trại dê 5 hecta với 1.000 con dê giống và hàng trăm dê thịt mang lại thu nhập hơn 10 tỷ đồng/năm. Đây cũng được xem là trang trại nuôi dê đầu tiên ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể này đó là chàng thanh niên Phạm Văn Hưng tại xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
Cử nhân kinh tế bỏ việc về quê nuôi dê thu tiền tỷ
Trang trại dê rộng 5 hecta của anh Phạm Văn Hưng, hiện trang trại dê của anh có khoảng 1.000 con giống. Bình quân mỗi tháng anh xuất bán khoảng 200 con dê giống, cùng với việc bán dê thịt, sữa dê và phân dê giúp anh có được doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Trại dê của anh Hưng được xem là mô hình chăn nuôi dê theo hướng trang trại khép kín, trang trại tách biệt khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường nhưng để có được trang trại và thu nhập như hiện nay anh Hưng phải trải qua nhiều khó khăn và đàm tiếu.
Năm 2004 tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh, anh Hưng nhanh chóng đầu quân cho một công ty xuất nhập khẩu theo đúng chuyên ngành mình đã học với thu nhập mỗi tháng hơn 10.000.000 đồng, số tiền không hề nhỏ với sinh viên mới ra trường tại thời điểm đó. Tưởng rằng chàng thanh niên 8x sẽ gắn bó với nghề lâu dài nhưng chẳng ai ngờ đến năm 2014 anh Hưng đã từ bỏ thành phố về quê chặt bỏ hơn 3 hecta cà phê đang cho thu hoạch để nuôi dê.
Ý nghĩ có phần mạo hiểm nên anh Hưng vấp phải sự phản đối của bố mẹ và bạn bè, thế nhưng chàng thanh niên này vẫn vững tâm để theo đuổi con đường mà anh đã lựa chọn bởi anh đã có sự nghiên cứu về thị trường.
Là người tiên phong nuôi giống dê Boer tại địa phương nên anh Hưng gặp không ít khó khăn trở ngại. Để cho giống dê ngoại thích nghi và sinh trưởng tốt với môi trường khí hậu ở Việt Nam không hề dễ dàng. Lứa dê đầu tiên 150 con anh nhập từ Thái Lan về cũng không hợp thức ăn khiến dê bị chướng bụng, với số vốn bỏ ra hàng tỉ đồng anh Hưng cũng không lấy lại được vốn vì dê chết hơn 50%.
Dù khó khăn thất bại nhưng anh Hưng không nản lòng, anh coi thất bại này chính là học phí phải trả cho sự thiếu hiểu biết kỹ thuật trong chăn nuôi của mình. Sau thất bại đó anh Phạm Văn Hưng tiếp tục tìm hiểu chuyên sâu trong chăn nuôi, anh thuê những chuyên gia chăn nuôi từ nước ngoài về ở lại trong trang trại để theo dõi, xử lý, chăm sóc, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Không chỉ bỏ tiền thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật nuôi mà anh Hưng còn tự mình mày mò kiến thức chăn nuôi qua sách báo. Sau quá trình hơn 1 năm tìm tòi, học hỏi anh đã tự tin với những kiến thức chăn nuôi mình có được, đến nay anh đã có thể tự chuẩn đoán được bệnh cho dê.
Sau 3 năm cùng ăn cùng ngủ với đàn dê đến nay trang trại của anh đã được xây dựng hoàn thiện khép kín trên quy mô rộng 5 hecta với số lượng dê giống đã nhân rộng lên 1.000 con. Trang trại được anh đầu tư với nuôi dãy chuồng từ dê thịt, dê giống, dê con anh đều đánh mã số riêng cho mỗi cá thể rồi theo dõi qua hệ thống máy tính. Thông tin của từng con được phân tích tổng hợp để đưa ra các quyết định quản lý toàn bộ quy trình chăn nuôi, luân chuyển đàn, quản lý sinh sản và phát hiện sớm bệnh.
Không chỉ đầu tư hệ thống chuồng trại anh Hưng còn tự trồng cỏ làm thức ăn cho dê, thức ăn của dê chủ yếu là cám từ đậu nành, bắp gạo trộn với cỏ theo tỷ lệ để phù hợp với từng thể trạng của mỗi cá thể dê. Hiện trang trại của anh đều có các chuyên gia đảm nhận các quy trình về chăn nuôi từ dinh dưỡng, thú y. Với ý tưởng từ đầu để có được nguồn dê sạch nên việc quản lý chặt chẽ từ khâu cho ăn, phối giống, sinh sản đến phòng ngừa và chữa bệnh nên chất lượng dê giống, dê thịt đều đảm bảo trước khi xuất bán.
phóng sự về trang trai dê của Phạm Văn Hưng do đài VTC thực hiện
Không chỉ vậy trang trại nuôi dê của anh Hưng còn là nơi chắp cánh cho những chuyên gia chăn nuôi tương lai. Nhiều sinh viên tại trường đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh đã được anh Hưng hướng dẫn thực tập và chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê. Kết hợp với những kiến thức học được các em đã phát huy những kiến thức kết hợp với thực tiễn để đàn dê phát triển.
Gắn bó với trại dê từ những ngày còn thực tập em Trần Ngọc Huy quyết định ở lại trại dê để phát triển chuyên ngành của mình. Không chỉ có vậy Huy còn được anh Hưng trả với mức lương hơn 5.000.000 đồng/tháng, số tiền không nhỏ với cậu sinh viên mới ra trường.
Dự kiến sắp tới anh Hưng sẽ mở rộng quy mô đàn dê sinh sản lên 7.000 con giống, đồng thời mở nhà hàng chuyên về dê, sữa dê để phục vụ khách hàng và đưa thịt dê sạch vào siêu thị. Với những nỗ lực cố gắng của mình anh Hưng đã trở thành tấm gương điển hình hộ nông dân sản xuất giỏi với nhiều giải thưởng, bằng khen từ trung ương đến địa phương.
Câu chuyện của chàng thanh niên này một lần nữa cho thấy nếu có khát vọng, có hướng đi đúng sản xuất gắn liền với nghiên cứu thị trường đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm thì trở thành tỷ phú từ nông nghiệp không phải là chuyện xa vời.