Anh Nguyễn Hữu Văn ở xã Xuân Hương, Quốc Oai, Hà Nội bắt đầu nuôi dê từ năm 2013. Qua tìm hiểu anh nhận thấy có thể chia thành 2 nhóm là dê địa phương và dê ngọai. Loại dê Cỏ mà anh đang nuôi thuộc nhóm dê địa phương, tuy giống dê này thích hợp với điều kiện khí hậu miền Bắc nhưng lại có nhiều nhược điểm như chậm lớn, mỏng thịt, chu kỳ sữa ngắn, lượng sữa ít nên anh đã quyết tâm nhân nuôi giống dê mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trong quần thể dê cỏ anh Văn tiến hành chọn lọc 9 cá thể dê cái ưu tú nhất rồi đem lại với 1 con đực giống ngoại JUMNAPARI để tạo ra con lai F1. Từ giống bố dê ngoại trọng lượng 90kg phối với giống dê Cỏ mẹ trọng lượng 25 – 30kg đã ra con lai đực đạt 60kg và con lai cái 40kg.
Để tạo ra quần thể dê lai hơn 80 con như hiện nay anh Văn đã mất gần 4 năm nghiên cứu chọn và nhân giống. Việc áp dụng kỹ thuật nhân giống trong chăn nuôi đã mang lại cho gia đình anh Văn nguồn thu nhập ổn định.
Hiện tại anh Văn đang tìm hiểu để cho lai dê sữa Boer và dê Bách Thảo, dê Boer và dê Saanen để tạo ra những thế hệ lai mới vượt trội hơn.
Kinh nghiệm lai tạo giống dê
Những con dê lai 3 máu kiêm thịt và sữa được anh Văn tự lai tạo ra trong trang trại của gia đình mình. Để tạo ra được đàn dê lai này anh Văn đã phải tự mình tìm hiểu rất kỹ những con giống bố mẹ. Theo đó con giống bố mẹ được chọn phải có ưu điểm nổi trội để có thể di truyền cho đời con những đặc điểm mà anh mong muốn.
Lai tạo giống dê có nghĩa là cho giao phối giữa các con dê đực và dê cái thuộc các giống khác nhau nhằm mục đích khai thác sức sống và sức sản xuất vượt trội có được ở con lai so với các cá thể thuộc giống thuần của dê bố mẹ đồng thời có thể khai thác các ưu điểm của các giống khác nhau.
Theo anh Văn ở nước ta hiện có 2 hướng để lai giống dê phổ biến như sau:
- Cho dê đực Bách Thảo hoặc dê đực Ấn Độ JUMNAPARI phối với dê cái giống Cỏ địa phương nhằm nâng cao năng suất đàn dê Cỏ.
- Lai tạo giống dê chuyên thịt bằng cách sử dụng dê đực giống Boer phối với con lai của dê Bách Thảo, dê Cỏ hoặc dê JUMNAPARI với dê Cỏ nhằm tạo ra con lai 3 máu chuyên thịt.
Với mô hình của gia đình anh Văn chọn lọc con cái là những con dê Cỏ có đặc điểm vượt trội so với con khác trong đàn làm con mẹ. Dê đực giống Boer và JUMNAPARI được anh Văn mua tại trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây thuộc Viện Chăn Nuôi. Chúng đều được anh kiểm tra lựa chọn từ đời ông bà bố mẹ.
Video phóng sự mô hình nuôi dê lai của anh Nguyễn Hữu Văn
Dê thường động dục quanh năm, chu kỳ động dục của dê là 19 – 21 ngày. Thời gian biểu hiện động dục kéo dài từ 1 – 3 ngày.
Theo anh Văn khi thấy dê cái có những biểu hiện như: phần ngoài của bộ phận sinh dục sưng, chảy dịch nhờn, đỏ và nóng lên, đuôi dê luôn luôn ve vẩy, chúng nhảy lên lưng con dê khác hoặc để cho con dê khác nhảy lên, dê kêu la và giảm ăn thì sẽ tiến hành phối giống.
Phải qua gần chục lần tiến hành lai tạo trong suốt gần 4 năm anh Văn mới chọn lọc được những con dê lai tốt vừa có trọng lượng lớn, chắc thịt và thời gian cho sữa dài. Bằng những kiến thức đã học và quan sát bằng mắt thường anh Văn chọn và để lại những con lai tốt nhất để nhân đàn, những con không đạt ngay lập tức sẽ bị đào thải.