Ở Bình Dương hiện nay có hơn 2.000 con bò sữa, tuy nhiên từ trước đến nay hầu hết ở các nông hộ đều sử dụng thức ăn theo kiểu truyền thống cho bò ăn riêng lẻ từng loại thức ăn. Với phương pháp này thức ăn vào cơ thể bò sẽ hấp thu chậm, mặt khác khẩu phần thức ăn thiếu cân đối theo nhu cầu tăng trọng của bò dẫn đến năng suất sữa không đạt như mong muốn. Hiện nay nuôi bò lấy thịt là xu thế đang được phát triển do đó nuôi vỗ béo giai đoạn bò trưởng thành để xuất bán sao cho mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là vấn đề liên quan đến chế độ dinh dưỡng nhằm giúp bà con có thêm kiến thức và chủ động trong việc cung cấp khẩu phần thức ăn cân đối và dinh dưỡng cho bò.
Tiến sĩ Đoàn Đức Vũ – Giám đốc Trung Tâm công nghệ sinh học chăn nuôi – Phân viện chăn nuôi Nam Bộ sẽ giới thiệu tới bà con tầm quan trọng của thức ăn hỗn hợp lên men và quy trình kỹ thuật ủ cỏ cho bò với khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh được lên men.

Việc phát triển chăn nuôi bò, bò sữa, bò thịt là một định hướng quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Người nông hiện nay đã phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt rất nhiều ở các địa phương trong đó có tỉnh Bình Dương. Hiện nay chúng ta đã phát triển được nhiều con giống mới, đặc biệt là các giống bò thịt Cao Sản đã đem lại năng suất rất cao. Tuy nhiên đối với kỹ thuật chăn nuôi nói chung và kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng trong đó có việc tạo ra nguồn thức ăn, khẩu phần ăn cho bò nuôi lấy thịt đặc biệt trong giai đoạn vỗ béo vẫn còn nhiều hạn chế đối với bà con nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay. Trong chuyên đề ngày hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu tới bà con một kỹ thuật sử dụng khẩu phần hỗn hợp được lên men để chăn nuôi bò nói chung và chăn nuôi bò thịt nói riêng đạt được hiệu quả tốt nhất.
Như bà con cũng biết kỹ thuật chăn nuôi truyền thống hiện nay đó là người nông dân thường cho bò ăn các loại thức ăn theo dạng riêng lẻ, tức là cho ăn cỏ riêng rồi cho ăn các loại thức ăn khác bổ sung như sắn, mì, hèm bia, cám hỗn hợp… Điều này gây bất lợi đối với người chăn nuôi cũng như đối với con gia súc. Đối với người chăn nuôi việc hỗn hợp khẩu phần dinh dưỡng hợp lý khá khó khăn do không nắm bắt được các kỹ thuật cần thiết. Ngoài ra việc bảo quản, chế biến, dự trữ các nguồn thức ăn thô trong giai đoạn mùa mưa nhiều cỏ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đối với gia súc việc cho ăn riêng lẻ đã làm cho con gia súc chọn lọc ra những loại thức ăn mà nó ưa thích việc này cũng làm cho chúng không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể cũng như tiêu hóa thức ăn một cách triệt để nhất.
Chính vì những lý do này nên hiện nay trên thế giới các nước đang phát triển đã sử dụng kỹ thuật khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh và tiếp đến họ đã sử dụng kỹ thuật khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh để ủ chua lên men giúp đảm bảo các yếu tố như: bảo quản được nguồn thức ăn thô trong giai đoạn dư thừa, làm cho giá trị dinh dưỡng khẩu phần ăn tăng lên, giúp cho gia súc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn một cách tốt nhất nâng cao giá trị kinh tế.
Thức ăn cho bò hiện nay khá phong phú, ngoài thức ăn thô là cỏ thì người chăn nuôi còn bổ sung thêm một số các loại thức ăn khác như cám, rỉ mật, hèm bia, khô dầu để làm khẩu phần cho bò được cân đối hơn về mặt dinh dưỡng. Thức ăn thô chủ yếu cung cấp chất xanh và chất thô, chất xơ, ngoài cỏ thì chúng ta cũng có thể sử dụng các loại thức ăn thô khác từ các loại phụ phế phẩm cây trồng ví dụ như thân bắp, ngọn mía, các loại dây đậu.
Cám thì bà con có thể sử dụng cám rau hoặc một số loại cám mì khác. Chúng ta sử dụng rỉ mật để cung cấp thêm năng lượng cho con bò. Sử dụng hèm bia là một phụ phẩm từ nhà máy bia để cung cấp thêm chất đạm và đặc biệt là khô dầu có chứa hàm lượng protein rất cao giúp kích thích cân đối dinh dưỡng cũng như tăng được khả năng sản xuất đối với con bò sữa cũng như bò thịt hiện nay.
Về quy trình kỹ thuật ủ cỏ tại nông hộ được tiến hành theo các bước như sau:

Công thức đơn giản giúp cho bà con nông dân có thể dễ dàng áp dụng với 5 nguồn nguyên liệu chủ yếu
- Thứ 1 là cỏ
- Thứ 2 là cám
- Thứ 3 là hèm bia
- Thứ 4 là khô dầu
- Thứ 5 là rỉ mật
Thức ăn thô là cỏ sẽ được băm nhỏ với kích cỡ khoảng từ 5 – 10cm và được rải đều một lớp trên các tấm bạt để có thể dễ dàng cho việc phối trộn.
Sau đó bà con rải các nguyên liệu khô khác vào theo thứ tự để tăng khả năng lên men. Đầu tiên bà con sẽ rải cám bằng cách rắc đều một lớp lên trên lớp cỏ đã chuẩn bị ở phía trên. Khi đã rải cám xong bà con tiếp tục lấy hèm bia rải đều lên bề mặt cỏ chuẩn bị trộn. Lưu ý trong quá trình phối trộn bà con nên để các nguyên liệu xen kẽ lẫn nhau đều đặn nhất giúp cho quá trình lên men đạt hiệu quả. Sau cám, rau và hèm bia thì bà con tiếp tục cho khô dầu vào, mặc dù đây là loại thức ăn chỉ cần một số lượng nhỏ nhưng do nó chứa hàm lượng đạm rất cao nên cũng rất cần thiết trong khẩu phần của bò.
Sau khi bà con đã rải đều các nguyên liệu khô lên cỏ thì bước cuối cùng là rưới rỉ mật lên trên các hỗn hợp này. Rỉ mật là loại thức ăn cung cấp nguồn năng lượng cho con bò đặc biệt là trong giai đoạn vỗ béo. Ngoài ra rỉ mật giúp thúc đẩy các vi sinh vật trong quá trình lên men phát triển tốt tạo ra các loại Axit Lactic, Axit hữu cơ giúp cho quá trình lên men đạt hiệu quả cao nhất.
Sau khi đã rải đều các nguyên liệu trên lên cỏ thì bà con trộn đều chúng lại với nhau. Lưu ý đây là khâu rất quan trọng trong quá trình sản xuất khẩu phần hỗn hợp lên men nên bà con phải trộn thật đều để cho các nguyên liệu có thể hòa quyện vào nhau tạo ra nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng.
Bước tiếp theo bà con đưa hỗn hợp vừa trộn xong vào vật dụng ủ. Tùy thuộc vào điều kiện của từng nông hộ mà bà con có thể sử dụng các vật dụng ủ khác nhau. Bà con có thể sử dụng thùng phuy nhựa hoặc bao ni-lông đối với những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn thì bà con có thể sử dụng các vật dụng ủ lớn hơn. Đây cũng là một bước rất quan trọng nên khi đưa nguyên liệu đã trộn vào vật dụng ủ bà con nên nén chặt xuống để bên trong không còn không khí nữa.
Sau khi đưa từng lớp nguyên liệu vào và dùng chân nén chặt chúng xuống vật dụng ủ thì bà con tiếp tục làm các lớp tiếp theo cho đến khi đầy vật dụng ủ. Khi vật dụng ủ đã đầy bà con sẽ dùng một tấm ni-lông để bịt kín miệng vật dụng ủ lại để không khí không lọt vào được bên trong.
Sử dụng nguyên liệu hỗn hợp ủ chua lên men cho gia súc ăn
Sau thời gian 3 tuần bà con có thể lấy ra cho gia súc ăn nhưng trước khi cho gia súc ăn bà con cần phải kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm vừa ủ ra. Sản phẩm tốt sẽ không bị mốc đặc biệt là mốc đen sẽ ảnh hưởng tới gia súc.

Sản phẩm ủ chua nói riêng và khẩu phần hỗn hợp được lên men nói chung có chất lượng tốt sẽ có màu vàng nhạt, khi gửi nó sẽ có vị chua và có mùi thơm của các nguyên liệu mà bà con đã trộn vào, có độ ẩm nhất định (khi bà con nắm một nắm sản phẩm ủ chua vào lòng bàn tay rồi bóp chặt sau đó thả ra nếu sản phẩm đó có hiện tượng bám vào tay thì có nghĩa sản phẩm đó đã có được độ ẩm vừa phải).
Lưu ý khi bà con lấy sản phẩm hỗn hợp ủ chua lên men cho bò ăn xong phải ngay lập tức bịt kín vật dụng đựng lại như lúc ban đầu để không khí không lọt được vào trong. Nếu bà con thực hiện tốt từ quy trình ủ chua lên men cho tới quy trình lấy sản phẩm ra cho bò ăn thì có thể bảo quản được sản phẩm hỗn hợp ủ chua lên men từ 5 – 6 tháng. Điều này cũng đảm bảo cho nguồn thức ăn đầy đủ trong mùa mưa giúp cho bà con có thể chăm sóc đàn bò của gia đình mình một cách hiệu quả nhất.
Như vậy trong chăn nuôi bò muốn đạt năng suất cao về thịt, sữa yêu cầu đầu tiên là phải chủ động được nguồn cỏ xanh. Ngoài ra bà con chăn nuôi cần tận dụng phế phụ phẩm từ nông nghiệp như thân cây bắp, ngọn mía, lá khoai mì, dây đậu các loại… để ủ lên men cho bò ăn rất tốt. Đối với bò sữa việc kết hợp thức ăn thô xanh với thức ăn hỗn hợp ủ lên men sẽ giúp nâng cao năng suất sữa cho từng cá thể trong đàn bò sữa ở nông hộ. Còn đối với bò thịt việc cho ăn thức ăn hỗn hợp lên men thế này sẽ cho chất lượng thịt tốt hơn, có đầy đủ thành phần dinh dưỡng trong thịt bò giúp tăng giá trị thịt thương phẩm giúp bà con mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi.