Phối giống và sinh sản
Đặc điểm sinh sản của bò cái
- Tuổi bắt đầu phối giống 18 – 24 tháng.
- Thời gian mang thai 280 – 290 ngày (9 tháng 10 ngày).
- Thời gian động dục trở lại sau đẻ 2 – 3 tháng.
- Chu kỳ động dục 20 ngày (17 – 23 ngày), thời gian động dục 24 – 36 giờ.
Những biểu hiện chủ yếu khi bò động dục
- Giai đoạn bắt đầu động dục (6 – 10 giờ): Con vật ở trạng thái khác thường, băn khoản ngơ ngác, kêu rống, chạm sừng nhau, thích gần và ngửi âm hộ con khác, không cho con khách nhảy lên lưng. Âm hộ sưng, hơi mở, có màu hồng.
- Giai đoạn giữa động dục (12 – 16 giờ): Con vật ở trạng thái hưng phấn cao độ, thích nhảy lên lưng con khách, sau đứng yên để con khác nhảy lên, ăn uống ít hoặc bỏ hoàn toàn. Âm hộ hơi mở, màu đỏ hồng, có niêm dịch kéo dính màu trắng, chảy thành dòng, sau tạo thành dịch keo dính thòng lòng hoặc dính bết vào mông.
- Giai đoạn cuối động dục (6 – 10 giờ): Không cho con khác nhảy lên, trạng thái thần kinh và ăn uống trở lại bình thường.
Thời điểm phối giống thích hợp nhất là vào giai đoạn giữa động dục:
- Bò cái có biểu hiện chịu đực: Đứng yên cho bò khác nhảy lên (tư thế hơi dạng chân, cong đuôi).
- Âm hộ nhỏ dần lại, niêm mạc chuyển từ đỏ hồng sang hồng nhạt.
- Niêm dịch ở trạng thái keo dính.
Phối giống
- Xác định thời gian phối giống thích hợp
- Sử dụng quy luật phối sáng – chiều:
Sáng phát hiện động dục – chiều phối giống.
Chiều phát hiện động dục – sáng sớm hôm sau phối giống.
Công thức phối giống
- Dựa vào mục đích sản xuất để lựa chọn công thức phối.
- Nuôi bò hướng thịt: Chọn đực giống mang máu thuộc giống bò Zebu như : Red Shindhi, Brahman, Sahiwal…(thuần hoặc lai).
- Nuôi bò hướng sữa: Chọn đực giống mang máu thuộc nhóm hướng sữa như: Holstein Frizer, nâu Thụy Sỹ… hoặc bò kiêm dụng như: Sahiwal, Red Sindhi…
Chú ý: Không nên sử dụng bò đực “cóc” của địa phương cho phối giống vì thế hệ sau sẽ lớn châm, tầm vóc nhỏ, cho sữa ít.
Phương pháp phối giống
Khi phát hiện bò cái động dục, sử dụng 1 trong 2 phương pháp sau để phối giống:
- Thu tinh nhân tạo: Phương pháp này có nhiều ưu điểm vì sử dụng được tinh bò ngoại lai có chất lượng phẩm giống cao, hạn chế lây lan dịch bệnh…Tuy nhiên cần có các kỹ sư chuyên trách và cần được thực hiện ở những nơi có điều kiện cho phép.
- Phối giống trực tiếp: Dùng bò đực giống tốt, to, khỏe mạnh, ngoại hình đẹp, không quá già, không quá non cho phối giống trực tiếp với bò cái động dục.
Chú ý: Cần quản lý chặt bò cái, không để giao phối tự do, sớm thiến những bò đực “cóc” kém phẩm chất ở trong đàn hoặc trong vùng.
Không cho phối giống giữa những bò đực và cái có quan hệ huyết thống gần như cha mẹ, con cháu, anh em cùng cha mẹ.
Nên phối kép 2 lần cách nhau 6 giờ để đảm bảo cho bò thụ thai.
Chuẩn đoán thai
Sau khi phối tinh, nếu quan sát thấy bò không động dục trở lại, hay ăn, ngủ nhiều, bầu vú phát triển, gân bụng và vú nổi dần, bụng to ra… là có thể bò đã thụ thai.
Có thể sử dụng phương pháp khám thai qua trực tràng. Đây là phương pháp có độ chính xác cao nhưng cần phải cần đến cán bộ thú y có tay nghề.
Đỡ đẻ
Bò sắp đẻ có trạng thái: Bụng to, nặng nề, vú căng (có sữa non). Khi khi đẻ 2 – 3 ngày âm hộ sưng chảy, sụp mông…Chuẩn bị đẻ hay đi linh tinh đi ăn riêng, trạng thái lo lắng, hay cào nền chuồng…
Bò đẻ bình thường: Thai ở 1 trong 2 trường hợp sau:
- Thai thuận đầu: Thai dọc đầu, thân nằm sấp, đàu và mõm gác lên 2 chân trước. Khi đẻ 2 chân trước ra trước, đế móng ở phía dưới.
- Thai thuận đuôi: Thai dọc đầu, thân nằm sấp, đuôi thai nằm giữa 2 chân sau, duỗi thẳng. Khi đẻ 2 chân sau ra trước, đuôi nằm giữa 2 chân sau, đế móng ở phía trên.
Bò đẻ bình thường nên để đẻ tự nhiên, bò mẹ tự chăm sóc con sau khi đẻ. Người nuôi chỉ hỗ trợ lôi bê ra và lấy nhau thai đem hủy.
Bò đẻ không bình thường:
- Các tư thế thai nằm không bình thường.
- Thai quá to.
- Thai bị chấn thương, bệnh tật mà chết lưu hoặc yếu dạ con không đẻ được.
Trong trường hợp này cần mời cán bộ thú y đến can thiệp kịp thời.
Cách tính ngày sinh cho bò
Biết trước được ngày sinh của bò để có cách chăm sóc tốt nhằm đảm bảo sức khỏe an toàn cho cả bò mẹ lẫn bê con là điều người chăn nuôi cần đặc biệt chú ý.
Bò mang thai 280 ngày (hơn 9 tháng), vì vậy muốn tính được ngày sinh của nó cần tính từ ngày phối giống cộng thêm 280 ngày. Cách tính như sau:
- Lấy ngày phối giống bò cộng với 5 hay 7 ngày (có thể vào tháng 2 có 28 ngày) và lấy tháng phối giống cộng với 9, sẽ có ngày sinh dự kiến. Ví dụ: Bò phối giống lần cuối vào ngày 10 tháng 2 năm 2017, thì ngày sinh sẽ là 10 + 7 ngày = ngày 17, tháng sinh sẽ là 2 + 9 = tháng 11 (bò sẽ sinh vào ngày 17 tháng 11 năm 2017), Bò cũng có thể sinh sớm hơn hay muộn hơn một vài ngày so với dự kiến, do đó cần theo dõi các biểu hiện bò mẹ trước ngày sinh dự kiến từ 1 đến 10 ngày.
- Biểu hiện bò sắp sinh: Khoảng 7 – 10 ngày trước khi sinh, bầu vú từ từ căng lên, núm vú căng cứng chưa đầy sữa là bò sắp đẻ, vì vậy cần chú ý theo dõi để phòng viêm vú trước khi sinh. Từ 1 – 3 ngày trước khi sinh âm hộ chảy nhiều dịch nhờn đặc, màu trắng. Khi thấy dịch nhờn loãng dần là bò sắp đẻ. Khi quan sát thấy hiện tượng sụp mông ở 2 bên gốc đuôi, đuôi lệch sang một bên và ít cử động, trạng thái bồn chồn, hay đứng lên nằm xuống, đại tiểu tiện nhiều lần là bò sắp đẻ.
- Biểu hiện bò khó sinh: Rặn nhiều, vỡ ối nhưng vẫn không thấy thai ra. Nếu bê con lộ ra sau 3 giờ mà vẫn chưa ra được, hoặc bê con ló ra ở tư thế không bình thường thì cần gọi cán bộ thú y can thiệp kịp thời.
Chậm sinh ở bò và cách khắc phục
Nguyên nhân
Trong thực tế có thể gặp một số bò tơ trên 18 tháng tuổi và trọng lượng trên 250kg nhưng không có biểu hiện lên giống. Người ta thường gọi trường hợp này là vô sinh hoặc chậm sinh. Cần xem xét các nguyên nhân sau:
- Bò bị viêm nhiễm hoặc bị bệnh ở cơ quan sinh dục, bệnh này gây ra bởi vi trùng và kí sinh trùng.
- Do quản lí và nuôi dưỡng kém. Thức ăn thiếu Vitamin A, thiếu khoáng (phốt-pho, đồng…), cho ăn quá thừa hoặc thiếu một cách bất thường. Cũng có thể bò lên giống thầm lặng (không rõ rệt) và khó phát hiện.
- Bò bị rối loạn nội tiết (hormon), ví dụ như hàm lượng Oestrogen thấp nên bò không thể hiện ra ngoài biểu hiện động dục.
- Do khuyết tật di truyền như lưỡng tính, nửa đực nửa cái.
Gặp trường hợp này cần chú ý quản lí và nuôi dưỡng cho tốt, nếu bò vẫn không lên giống thì nhờ nhân viên thú y thăm khám và xác định nguyên nhân, rơi vào nguyên nhân cuối thì phải loại thải.
Thông thường, sau khi sinh 3 tháng bò mẹ sẽ lên giống lại và phải đậu thai không quá 3 lần phối giống. Không đạt được yêu cầu trên cũng gọi là chậm sinh hoặc vô sinh. Trường hợp này cũng cần phải xem xét các nguyên nhân như đối với bò tơ.
Phương pháp rút ngắn khoảng cách lứa đẻ
Thông thường thời gian mang thai của bò cái là 275 – 285 ngày, khoảng cách lứa đẻ kéo dài khoảng 3 năm. Sau khi đẻ, bò động dục trở lại tùy thuộc ở kỷ thuật chăn nuôi, chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật. Để rút ngắn khoảng cách lứa đẻ phải tuân thủ những quy trình chăn nuôi hợp lý hoặc phải tác động để rút ngắn khoảng cách tư khi bò đẻ đến khi phối giống có chủa xuống còn khoảng 2 – 3 tháng. Trong điều kiện bình thường thì bò động dục trở lại chỉ mất khoảng 40 – 50 ngày sau khi đẻ.
Khoảng cách lứa đẻ dài hay ngắn có nhiều nguyên nhân. Khoảng cách lứa đẻ kéo dài đến 390 – 420 ngày, thậm chí là hơn, để khắc phục được tình trạng này cần chú ý:
- Vào giai đoạn cai sữa và ngay sau khi đẻ, nuôi bò cái hợp lý phù hợp với nhu cầu bò.
- Chuẩn bị và chăm sóc chu đáo bò cái vào lúc đẻ (chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo các điều kiện vệ sinh và hộ lý tốt).
- Sau khi bò đẻ nên thủ rửa tử cung bằng dung dịch Rivanol hoặc Lugol với tỷ lệ: Nếu dùng dung dịch Rivanol 1 – 2% khoảng 300 – 500ml, nếu dùng Lugol 100ml (dung dịch Lugol là hỗn hợp I2, KI và nước cấ theo tỷ lệ 1:2:300), nếu dùng 1- 2% khoảng 300 – 500ml. Sau đó đưa một trong các loại kháng sinh phổ rộng vào thẳng tử cung. Oxytetracy-line 2,5g pha với 30ml nước hoặc Kanacyline 3g pha với 30ml nước, hoặc Ampicyline 2 – 3g pha với nước.
- Kết hợp tiêm bắp toàn thân hàng ngày (5 ngày liên tục), thuốc dùng tiêm là Gentanyline 1ml cho 10kg thể trọng hoặc Ampi-seplol với liều 1ml cho 10 – 12kg thể trọng.
- Trường hợp đẻ khó, sót nhau hoặc bị viêm nhiễm đường sinh dục cần can thiệp và điều trị kịp thời để bò sớm phục hồi chức năng sinh sản.
- Chọn lựa và sử dụng loại tinh chất lượng tốt để phối giống cho bò cái động dục đúng quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, đặc biệt là phối giống vào thời điểm thích hợp.
Khắc phục hiện tượng chậm sinh và vô sinh
Hiện tượng châm sinh và vô sinh có thể gặp ở bò cái tơ trên 2 năm tuổi hoặc bò cái sau khi đẻ 3 – 5 tháng nhưng không thấy động dục trở lại. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này:
- Với bò tơ: Nguyên nhân có thể là do tử cung buồng trứng kém phát triển, không có tử cung hoặc buồng trứng có khối u nằm trên buồng trứng hoặc do chế độ dinh dưỡng kém, đặc biệt là các khoáng chất, Vitamin A dẫn đến rối loạn nội tiết, cũng có thể do viêm nhiễm đường sinh dục. Trong trường hợp này người chăn nuôi cần xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp.
Nếu bị bệnh do dị hình khiếm khuyết thì không có cách chữa trị, cần loại bỏ. Nếu trường hợp khác thì chữa trị bằng kháng sinh hoặc cải thiện chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng khẩu phần, sử dụng hormon để tác động lên bò.
- Với bò cái trưởng thành: Nguyên nhân do chăm sóc nuôi dưỡng kém, mất cân đối hoặc thiếu thành phần dinh dưỡng trong phẩu phần dẫn đến tình trạng bò gầy yếu, bò ít được vận động, có các bệnh như u nang buồng trứng, viêm tử cung, thể vàng tồn lưu dẫn đến rối loạn hoặc thiếu hormon sinh sản.
Để khắc phục tình trạng này hiệu quả, trước hết cần xác định rõ nguyên nhân. Cần theo dõi xem bò cái sữa không động dục thực sự hay động dục thầm lặng, có thể sử dụng cách dùng bò đực thí tình để áp dụng biện pháp thích hợp.
Nếu bò đẻ lứa đầu và năng suất sữa cao thì phải chờ thêm thời gian. Trong thời gian này, không cho bê con bú sữa mẹ. Nếu bò gầy yếu do nuôi dưỡng cần phải tăng khẩu phần giàu hàm lượng các chất đạm, đường, vitamin, khoáng… Cũng có thể kết hợp chăn tha trên bãi cỏ để bò có điều kiện vận động tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Nếu xác định nguyên nhân bò cái không động dục do ung thư buồng trứng (là u nang hay u nang thể vàng) có thể tiêm Prostaglandin (2ml chế phẩm estrumate) trong trường hợp u nang thể vàng.
Trường hợp thấy bò bị viêm tử cung với thể vàng tồn lưu thì biện pháp điều trị tốt nhất là tiêm Prostalandin hoặc các chất tương tự (2ml chế phẩm estrumate) để làm tiêu biến thể vàng, giảm hàm lượng prosgestaron và tăng hàm lượng estrogen trong máu.
Hiện tượng bò không động dục trở lại và cách khắc phục
Tình trạng không động dục lại sau khi sinh ở bò cái chủ yếu là do mất khả năng phân tiết hormon LH và trứng không chin. Hiện tượng này ở bò trước đây chưa có hướng giải quyết nhưng hiện nay người ta đã tìm ra dụng cụ có tên Cue-mate đặt vào phía trong bộ phận sinh dục của bò, dụng cụ này có tác dụng làm tăng hàm lượng progesterone huyết thanh để bù đắp sự thiếu hụt hormon LH tuyến yên.
Khi tháo bỏ dụng cụ Cue-mate, hàm lượng progesterone nhanh chóng giảm thấp và kích thích trứng chin, do vậy gây nên hiện tượng lên giống và rụng trứng. Việc tiêm oestradiol ben-zoate (1mg) 24 giờ sau khi tháo bỏ Cue-mate có tác dụng kích hoạt sự phân giảm hormon LH và tăng hành vi động dục. Bò sẽ động dục và phải được phối giống 2 – 5 ngày sau khi tháo bỏ Cue-mate.
Cách sử dụng: Kiểm tra đàn bò không lên giống lại sau khi sinh và áp dụng điều trị bằng dụng cụ Cue-mate.
- Ngày đầu tiên: Đặt Cue-mate cho bò không động dục cần được điều trị.
- Ngày thứ 6: Tháo Cue-mate ra khỏi âm đạo.
- Ngày thứ 7: Tiêm 1mg oestradiol benzoate.
- Ngày thứ 8 – 11: Gieo tinh bò có dấu hiệu động dục.