Cá trắm cỏ là loài cá nước ngọt dễ nuôi, mau lớn nên được rất nhiều bà con lựa chọn để nuôi trong thời gian trở lại đây giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Cá trắm cỏ có nhiều hình thức nuôi, bà con có thể nuôi thả cá ở ao, hồ hoặc có thể nuôi thả ở các lồng, bè trên sông. Nuôi cá trắm cỏ không khó nhưng để học được kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao không phải ai cũng có thể làm được. Do đó hôm nay kỹ thuật nông nghiệp sẽ giới thiệu tới bà con kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ trong lồng bè đang được nhiều người áp dụng và đạt năng suất cao.
xem thêm: kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ trong ao
Đặc điểm sinh học của các trắm cỏ
Đặc điểm hình thái
Cá trắm cỏ có thân dài, hơi dẹp bên, nhất là ở cuống đuôi, bụng tròn, không có sống bụng.
Đầu cá tù hơi ngắn, miệng ở phía trước rộng hình vòng cung, không có râu. Hàm trên dài hơn hàm dưới, mắt bé ở hai bên đầu.
Tập tính sống
Là loài cá dễ nuôi có khả năng thích ứng rộng với điều kiện môi trường, cá sống được trong môi trường nước tĩnh, nước chảy và sinh trưởng bình thường trong môi trường nước có độ muối từ 0 – 4%.
Cá trắm cỏ có thể thích ứng với nhiệt độ từ 13 – 32 độ C nhưng nhiệt độ thích hợp nhất là từ 22 – 28 độ C, khoảng pH thích hợp từ 5 – 6, ngưỡng ô-xi từ 3ml/1l trở lên.
Cá thích sống ở tầng nước giữa và thấp, nơi gần bờ có nhiều cỏ nước.
Dinh dưỡng
Ở giai đoạn đầu thức ăn chủ yếu của cá nhỏ thường là tảo, chất vẩn, các loại thực vật ký sinh có trong môi trường nước… Khi cá phát triển từ 8 – 10cm thì chuyển sang thức ăn thực vật bậc cao, nhất là cỏ tươi.
Thức ăn chủ yếu của các là các loại thực vật dưới nước như bèo tấm, bèo cám, bèo hoa dâu, rong các loại. Các loại rau cỏ trên cạn như lá lúa, lá sắn, rau khoai, lá chuối… Ngoài các loại thức ăn xanh ra cá trắm cỏ còn ăn các loại thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, bột sắn….
Sinh trưởng
Cá có tốc độ sinh trưởng rất nhanh. Nuôi trong lồng khoảng 1 năm cá có thể đạt trọng lượng trung bình từ 0,8 – 1kg/con, sau 2 năm đạt trọng lượng khoảng 3 – 4kg/năm.
Tốc độ phát dục của cá chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện môi trường. Cá đực thường thành thục sớm hơn cá cái 1 năm.
Ở Việt Nam mùa vụ sinh sản của các trắm cỏ từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm và tập trung chủ yếu vào tháng 5.
Vật liệu làm lồng và cách lắp ráp lồng bè nuôi cá
Vật liệu làm lồng
Lồng nuôi cá thường được làm bằng tre (gỗ hoặc nhôm), lưới B40, lưới nhựa nylon, dây buộc và các cọc cố định lồng.
Tre làm lồng thường sử dụng các loại tre già thẳng chắc chắn, có đường kinh từ 3 – 5 cm.
Vật liệu làm phao bà con có thể sử dụng các loại phi nhựa hay các can nhựa có kích cỡ lớn hoặc phao để nâng lồng nuôi nổi trên mặt nước.
Lưới có kích thước mắc lưới khoảng 2cm.
Lưới B40 được dùng để bảo vệ lồng nuôi.
Các loại dây buộc bà con có thể sử dụng các loại dây thép để buộc cố định các vị trí của lồng nuôi.
Kích thước lồng nuôi
Hiện nay lồng nuôi thường có dạng hình hộp, kích cỡ tùy thuộc vào vị trí địa điểm đặt lồng nuôi.
Lồng nuôi cá trên sông thường có kích cỡ trung bình với chiều dài khoảng 6m, chiều rộng 4m và chiều cao 1,5 – 2m.
Tùy vào điều kiện của gia đình cũng như địa điểm nuôi mà có thể làm lồng có kích thước lớn hơn.
Cách lắp ráp lồng nuôi
Đối với khung lồng bằng tre hoặc bằng gỗ có kích thước 6 x 4 x 1,5m thì bà con lắp khung đáy và khung lồng có kích thước 6 x 4m và 4 cọc đứng 1,5m.
Bà con dùng lưới bao mặt đáy, nắp lồng và xung quanh 4 mặt lồng tạo thành hình hộp chữ nhật. Sau khi đã lắp ráp lồng nuôi xong bà con dùng dây thép để buộc cố định lưới vào khung lồng.
Trên nắp lồng nuôi làm 1 của lồng để tiện cho việc chăm sóc và cho cá ăn.
Dùng lưới B40 bao xung quanh để bảo vệ lồng nuôi.
Sau khi làm xong các bước trên bà con ráp phao vào khung lồng: Có thể sử dụng các thùng phi, can nhựa hoặc phao nổi cố định vào 4 cạnh của nắp lồng. Ráp phao vào khung lồng sao cho nắp lồng cách mặt nước khoảng 10cm.
Neo lồng nuôi
Sau khi lắp ráp lồng nuôi xong bà con đưa lồng nuôi xuống vị trí đặt lồng.
Dùng dây mây, dây gấc hoặc dây thép để buộc cố định lồng nuôi bằng các neo trụ ở giữa sông hoặc nối lồng với dây buộc ở trên bờ (đóng cọc ven bờ để buộc dây).
Chọn vị trí để đặt lồng nuôi
Địa điểm đặt lồng
Lưu ý đối với nuôi lồng trên sông phải có mực nước sâu trung bình trên 3m, lưu tốc dòng nước không quá 0,3 – 0,5m/s.
Vị trí đặt lồng nuôi bà con nên lựa chọn những nơi có nguồn nước sạch sẽ không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt hoặc nước thải công nghiệp để đảm bảo cá không chết do bị nhiễm độc.
Đối với lồng nuôi trên sông thì đáy lồng phải cách đáy sông hồ ít nhất 0,5m để phân cá và các chất thải dư thừa có thể lắng xuống sông và trôi đi chỗ khác. Không đặt lồng nuôi ở những nơi có nhiều bóng cây, rong cỏ sẽ làm cá bị thiếu Ô-xy.
Với những gia đình có nhiều lồng nuôi thì phải đặt lồng xen kẽ nhau từ 3 – 5m, đặt so le nhau để tăng lưu tốc dòng nước đi qua lồng.
Nếu nhiều hộ nông dân tham gia nuôi lồng quy mô lớn thì cần bố trí lồng nuôi này cách lồng nuôi kia ít nhất từ 5 – 10m. Nếu đặt lồng nuôi theo cụm thì khoảng cách tối thiểu giữa các cụm lồng ít nhất phải từ 15 – 20m. Lồng nuôi trong cụm phải đặt so le nhau để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Môi trường nước để đặt lồng
Nếu đặt lồng nuôi trên sông thì độ pH nước phải giao động từ 6 – 7.
Hàm lượng Ô-xy hòa tan phải lớn hơn 5mg/lít nước.
Chất đáy nơi đặt lồng là đất cát pha bùn.
Kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ trong lồng, bè
Chọn cá giống
Cá giống phải đồng kích cỡ, khỏe mạnh không xây xát, không mất nhớt, không bị dị tật, bơi lội nhanh nhẹn, kích cỡ phải đạt trên 20cm.
Không nên thả cá khi cá có dấu hiệu đốm đỏ hoặc trắng, vây bị trầy xước, hao mòn…
Cách thả cá giống
Mùa vụ thả cá
- Đối với lồng nuôi trên sông thì bà con thả cá giống vào tháng 2 đến tháng 3 hoặc có thể thả cá sau lũ.
- Khi nuôi cá được 1 năm thì cá đã đạt trọng lượng từ 0,8 – 1kg thì bà con có thể thu bắt.
Mật độ thả cá
- Bà con thả từ 30 – 35 con/m3 nước.
Cách thả cá giống
- Sau khi bà con vận chuyển cá giống về thì phải ngâm cá trong lồng khoảng 10 – 15 phút nhằm cân bằng nhiệt cho đàn cá, sau đó mở túi ra cho nước vào từ từ để cá tự bơi ra.
Thời gian thả cá giống
Bà con nên chú ý thời gian thả cá cho hợp lý để đàn cá có thể sống khỏe mạnh nhất, nên thả cá vào sáng sớm hoặc chiều tối khi ánh nắng mặt trời đã dịu dần.
- Buổi sáng từ 6 – 8 giờ.
- Buổi chiều từ 16 – 18 giờ.
Tránh thả cá vào giữa trưa, trời sắp mưa hoặc những ngày mưa lớn kéo dài.
Tắm cá giống trước khi thả
Để đảm bảo cá giống trước khi thả đạt tỉ lệ sống cao nhất, không bị ký sinh trùng và nấm bệnh phát triển trên cơ thể thì bà con cần tắm cá bằng các loại thuốc đặc trị sau:
- Hòa tan thuốc tím với liều lượng 5 – 7g/m3 nước. Tắm cá trong thay hoặc xô lớn trong thời gian 5 phút.
- Tắm cá bằng nước vôi muối có độ mặn từ 5 – 7% trong thời gian 5 phút.
Chú ý: Khi tắm cho các bà con cần phải chuẩn bị máy sục khí để cá không bị thiếu Ô-xy.
Thức ăn và khẩu phần ăn cho cá
Thức ăn chủ yếu cho cá gồm các loại thức ăn xanh như: Lá sắn, cỏ, rong các loại… trước khi cho cá ăn bà con cần phải đảm bảo thức ăn không bị nhiễm độc tố. Lượng thức ăn xanh chủ yếu trong ngày phải chiếm hơn 40%.
Cho cá ăn thức ăn với lượng khoảng 5 – 7% trọng lượng thân.
Để chủ động nguồn thức ăn xanh trong nuôi thương phẩm, bà con nên trồng các loại cỏ có độ đạm cao làm nguồn thức ăn chính cho cá….trong khu đất của gia đình mình.
xem thêm: các giống cỏ nuôi cá trắm cỏ
Trong quá trình nuôi cá, ngoài việc cho cá ăn thức ăn xanh thì bà con cần phải bổ sung thêm các loại thức ăn tinh dạng bột nổi để cá có thể tăng trưởng tốt nhất.
Phương pháp cho cá ăn
Lượng thức ăn đưa xuống lồng nuôi phải chia đều thành nhiều đợt để đảm bảo cả đàn cá đều được ăn no.
Bà con nên quan sát hoạt động bắt mồi của cá, theo dõi mức độ tiêu thụ thức ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Hàng ngày phải vớt thức ăn dư thừa còn tồn đọng trước khi cho thức ăn mới vào lồng.
Chăm sóc và quản lý lồng nuôi
Vệ sinh lồng nuôi
- Trước khi thả và sau mỗi đợt thu hoạch cá: Bà con phải đem lồng lên cạn, dùng vôi quét lên bề mặt trong và ngoài lồng để khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh. Sau đó phơi khô lồng trên cạn khoảng 1 đến 2 ngày.
- Trong quá trình nuôi cá, bà con cần phải định kỳ làm vệ sinh chuồng 2 lần/tuần, cọ rửa các tạp chất bám ở trong và ngoài lồng nuôi.
- Hàng ngày, trước khi cho cá ăn bà con cần phải vớt bỏ các thức ăn dư thừa còn đọng lại từ hôm qua, rồi sau đó mới cho cá ăn thức ăn mới.
Môi trường nước nuôi
- Bà con dùng vôi Nông Nghiệp để khử trùng và khử chua cho môi trường nước.
- Treo túi vôi khoảng 2 – 4kg/túi ở vị trí đầu nguồn nước. Khi vôi trong túi tan hết thì tiếp tục treo túi khác.
- Định kỳ khoảng 7 – 10 ngày bà con hòa tan 2 -3kg vôi tạt vào trong lồng và khu vực nuôi để phòng bệnh cho cá, làm sạch môi trường nuôi xung quanh.
- Định kỳ 7 ngày bà con nên 1 lần sử dụng Vitamin C trộn vào thức ăn công nghiệp với liều lượng 2 – 3g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
Thu hoạch
Sau thời gian nuôi 8 đến 10 tháng thì cá đã có thể đạt trọng lượng trung bình từ 1 – 1,5kg/con, lúc này tùy theo giá cả thị trường mà bà con có thể thu tỉa hoặc thu hoạch hết một lần.