Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng thỏ lấy thịt toàn tập, cách phòng và trị một số bệnh hay gặp trong quá trình nuôi
Đặc điểm sinh học
- Đặc điểm chung
Thỏ là loại gia súc nhạy cảm với các tác nhân ngoại cảnh, khả năng thích ứng với môi trường ở mức từ 31 – 48 độ C.
Thỏ có ít tuyến mồ hôi dưới da, cơ chế thải nhiệt chủ yếu qua đường hô hấp, nếu nhiệt độ không khí tăng nhanh và nóng kéo dài trên 35 độ C thì thỏ thở nhanh và nông để tải nhiệt khi đó thỏ dễ bị cảm nóng. Thỏ thở rất nhẹ nhàng, không có tiếng động chỉ thấy thành bụng giao động do nhịp thở. Nếu thỏ khỏe trong môi trường bình thường thì tần số hô hấp từ 60 – 90 lần/phút, nhịp đập của tim thỏ rất nhanh và yếu trung bình từ 100 – 120 lần/phút. Thân nhiệt tần số hô hấp, nhịp đập của tim đều liên quan thuần với nhiệt độ không khí.
Ở nước ta nhiệt độ môi trường thích hợp nhất với thỏ là từ 20 – 28,5 độ C. Cơ quan khứu giác của thỏ phát triển, thỏ mẹ có thể phân biệt được con khác đàn mới đưa đến trong vòng một tiếng bằng cách ngửi mùi. Cấu tạo khoang mũi rất phức tạp có nhiều vách ngăn chi chít lẫn các rãnh khoang ngóc ngách, bụi bẩn hít vào sẽ đọng lại ở vách ngăn kích thích ngây viêm xoang mũi. Thỏ rất thính và tinh trong đêm tối thỏ vẫn phát hiện được tiếng động nhỏ ở xung quanh và vẫn nhìn thấy để ăn uống được bình thường.
- Đặc điểm sinh trưởng
Giai đoạn thỏ bú mẹ từ 1 – 30 ngày tuổi
Ở giai đoạn này thỏ con sinh trưởng và phát triển chịu tác động của giai đoạn trong bào thai. Nếu giai đoạn trong bào thai thỏ mẹ không được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt thì không chỉ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của thai mà con ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của thỏ con sau khi sinh ra sẽ khiến cho thỏ con bị còi cọc và tỷ lệ chết rất cao.
Thỏ con sơ sinh rất nhạy cảm với nhiệt độ môi trường vì vậy nhiệt độ thích hợp cho những ngày đầu sau sinh là 28 độ C, sau đó giảm dần xuống còn 25 độ C khi thỏ con được 1 tuần tuổi. Nếu nhiệt độ không phù hợp như quá cao hoặc quá thấp thì thỏ con sẽ bỏ bú, da nhắn nheo biến màu và tỷ lệ chết cao.
Các giống thỏ khác nhau thì khối lượng khi sinh ra sẽ khác nhau trong khoảng từ 40 – 80g. Khi mới sinh ra thỏ con sẽ chưa mở mắt, toàn thân chưa có lông để lộ lớp da màu đỏ hồng. Thỏ lớn rất nhanh sau 4 – 5 ngày khối lượng đã tăng gấp đôi, sau khoảng thời gian 1 tuần toàn thân mọc một lớp lông mỏng mịn. Thời gian từ 9 – 12 ngày tuổi thỏ con sẽ mở mắt, tùy thuộc vào số lượng thỏ con càng nhiều thì thời gian mở mắt sẽ càng muộn.
Sau thời gian 2 tuần tuổi thỏ con thích bò ra khỏi ổ và bắt đầu ăn các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ, đến 3 tuần tuổi thỏ ăn được một lượng thức ăn rất đáng kể. Trong giai đoạn này thức ăn chủ yếu của thỏ vẫn là sữa mẹ, vì vậy năng suất sữa mẹ là nhân tốt quyết định tốc tộ sinh trưởng của thỏ con.
Giai đoạn cai sữa
Giai đoạn đầu sau cai sữa khả năng sinh trưởng của thỏ chậm, đồng thời giai đoạn này thỏ lại thay lông lần đầu (5 – 8 tuần tuổi), do đó thỏ khá yếu và dễ bị mắc bệnh nên cần phải chăm sóc, nuôi dưỡng thỏ tốt. Từ 7 – 11 tuần tuổi thỏ thích ứng tốt với môi trường ngoại cảnh, độc lập với các ảnh hưởng của thỏ mẹ, ăn được nhiều thức ăn nên thỏ sinh trưởng nhanh. Khả năng tăng trọng ở giai đoạn này là cao nhất. Từ tuần tuổi thứ 12 trở đi tăng trọng giảm dần và bắt đầu phát dục.
Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng
- Kỹ thuật làm chuồng trại
Thành lồng cao 35 – 40cm, dài 90 – 180cm, sâu 60cm, khoảng cách giữa các lan chuồng từ 2 – 2,5cm. Một chuồng có thể làm nhiều ô, mỗi ô bà con có thể nhốt được một thỏ giống sinh sản, 5 – 6 con sau cai sữa hoặc 2 con hậu bị giống.
Đáy lồng phải nhẵn, phẳng để thỏ không gặm được, phải thiết kế lỗ hoặc khe hở để thoát phân và nước tiểu.
Lưu ý: Bà con nên làm đáy lồng có thể tháo lắp ra được để thuận tiện cho việc làm vệ sinh chuồng trại.
Xung quanh chuồng và các ngắn giữa các ô lồng có thể sử dụng vật liệu là lưới sắt hoặc sử dụng các thanh tre vót tròn. Khi làm chuồng nuôi thỏ phải đảm bảo kích cỡ lồng không để thỏ chui ra được và các loại động vật khác đặc biệt là chuột không thể chui vào chuồng cắn thỏ.
Trong mỗi ô lồng phải thiết kế một giá để thức ăn xanh, một máng để thức ăn tinh có thể làm bằng sứ, tôn, sắt hoặc gáo dừa. Dụng cụ đựng nước uống có thể là máng chậu làm bằng xi măng có chiều cao 8 – 10cm, rộng 10 – 15cm. Ngoài ra để thuận tiện hơn bà con có thể sử dụng van uống nước tự động để thỏ uống nước được dễ dàng hợp vệ sinh hơn.
Ổ để cho thỏ đẻ có thể làm bằng gỗ mỏng có khung nẹp chắc chắn với chiều dài 50cm, rộng 35cm, cao 10cm.
Lồng chuồng có thể đặt ở những nơi có bóng mát như dưới gốc cây, nhà có mái che để chống được mưa, nắng, hoặc bà con có thể tận dụng các gian nhà trống để nuôi, chỗ đặt chuồng nuôi nên đảm bảo thông thoáng sạch sẽ, chống gió lùa mạnh, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, vệ sinh chuồng trại và thoát phân được dễ dàng.
- Thức ăn, chế biến thức ăn và phối hợp khẩu phần ăn nuôi thỏ thịt
2.1 Thức ăn
Thức ăn cho thỏ chia làm 2 nhóm thức ăn thô và thức ăn tinh
xem thêm: các giống cỏ nuôi thỏ
Nhóm thức ăn thô có khối lượng lớn nhưng rẻ tiền, dinh dưỡng thấp chủ yếu cung cấp chất xơ cho thỏ, nhóm này gồm thức ăn thô xanh, thô khô và củ quả.
Nhóm thức ăn tinh ít nước, ít xơ, dinh dưỡng cao, đắt tiền gồm các loại hạt chính phẩm và phế phụ phẩm nông nghiệp, ngoài ra còn có rất nhiều các sản cây trồng tự nhiên có thể cho thỏ ăn được.
Trên đây là những loại thức ăn thông dụng mà thỏ thích ăn, dễ kiếm để bà con dễ dàng phối hợp cho thỏ ăn tuy nhiên phải đảm bảo đầy đủ và cân đối chất bột đường, tinh bột, chất đạm, chất xơ, vitamin, chất khoáng và nước uống.
- Chế biến thức ăn cho thỏ
Thức ăn thô xanh cần rửa sạch bằng nước giếng khơi hoặc nước máy, không nên cắt sẵn dự trữ thức ăn xanh lâu ngày sẽ bị úa.
Những rau lá có hàm lượng nước lớn như rau bắp cải, khoai lang thì nên phơi khô bớt nước đề phòng thỏ khi ăn sẽ bị chướng hơi đầy bụng.
Các loại củ quả nên cắt thành miếng nhỏ như hạt ngô để thỏ con ăn được dễ dàng, củ khoai tây nên luộc chín để giải phóng chất độc nhưng khi bị mọc mầm thì không được cho thỏ ăn.
Thức ăn thô khô cần được dự trữ trong mùa đông xuân hiếm thức ăn xanh hoặc dùng cho các ngày mưa to. Nên cắt các loại cỏ như cỏ Pangola, cỏ chỉ, cỏ tự nhiên để phơi khô, nên cắt vào lúc sắp ra hoa, thân còn bánh tẻ vì lúc đó hàm lượng dinh dưỡng trong cỏ cao nhất, tỉ lệ chất xơ chưa cao. Khi phơi cỏ phải được nắng, tránh nước mưa thấm sẽ bị mốc và mất chất.
Thức ăn tinh là các loại hạt to cứng như hạt ngô thì nên ghiền thành mảnh nhỏ, các loại hạt nhỏ thì nên để nguyên cho thỏ ăn hoặc ngâm ủ mọc mầm, không nên ghiền thành bột nhỏ vừa khó cho thỏ ăn vừa gây lãng phí mà cơ thể sử dụng thức ăn đó sẽ kém hơn.
Ở các gia đình chuyên môn nuôi thỏ có thể chế biến các loại thức ăn tinh kết hợp với các phế phụ phẩm và một số thức ăn bổ sung thành loại thức ăn hỗn hợp tinh giàu dinh dưỡng ở dạng bột hoặc có điều kiện thì dập viên, ép thành bánh hoặc kéo thành sợi thì càng tốt. Loại thức ăn này ổn định về giá trị dinh dưỡng và đáp ứng được nhu cầu của thỏ.
- Nhu cầu dinh dưỡng của thỏ
Thỏ là động vật ăn thực vật có khả năng tiêu hóa nhiều chất xơ cho nên có thể nuôi thỏ bằng các loại rau, cỏ, củ quả và các phế phụ phẩm gia đình nhưng muốn tăng năng suất trong chăn nuôi thỏ thì cần phải bổ sung thêm các thức ăn tinh bột, đạm, khoáng sinh tố ở dạng Frenmit hoặc ở dạng thức ăn giàu dinh dưỡng của chất đó. Chú ý nên bổ sung phù hợp chất dinh dưỡng theo từng thời kỳ của thỏ sẽ đảm bảo cho thỏ phát triển tốt nhất.
- Phối hợp khẩu phần ăn cho thỏ
Để phối hợp khẩu phần ăn cho thỏ phải dựa vào bảng dinh dưỡng của các loại thức ăn, bà con có thể tính toán xây dựng được nhiều thực đơn phối hợp cho từng loại thỏ khác nhau. Trong thực tế ở điều kiện chăn nuôi gia đình khó có điều kiện tính toán cân đối các loại thức ăn.
Để giúp cho các hộ gia đình có cơ sở kết hợp các loại thức ăn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho thỏ chúng tôi sẽ xây dựng theo khối lượng các nhóm thức ăn cho các loại thỏ như sau:
Khối lượng 0,5 – 1kg + Tinh hỗn hợp và các loại hạt ngũ cốc 20 – 30 + Cỏ các loại 60 – 130 + Củ quả 20 – 45 + Thức ăn khác (các loại rau) 10 – 15.
Khối lượng 1 – 2kg + Tinh hỗn hợp và các loại hạt ngũ cốc 70 – 120 + Cỏ các loại 200 – 300 + Củ quả 25 – 50 + Thức ăn khác (các loại rau) 25 – 35.
Khối lượng 2 – 3kg + Tinh hỗn hợp và các loại hạt ngũ cốc 120 – 150 + Cỏ các loại 300 – 400 + Củ quả 70 – 100 + Thức ăn khác (các loại rau) 30 – 40.
- Ý nghĩa của công tác vệ sinh phòng bệnh
Thỏ ở giai đoạn này sức đề kháng còn kém nên vệ sinh phòng bệnh và chế độ ăn uống sẽ ảnh hưởng tới năng suất chăn nuôi. Vì vậy bà con cần phải tạo điều kiện môi trường sống thuận lợi để cho thỏ có thể sinh trưởng và phát triển tốt.
Nếu chuồng trại không được vệ sinh sạch sẽ, thỏ không được phòng bệnh, chế độ dinh dưỡng kém dẫn đến thỏ bị mắc bệnh và chết hàng loạt gây ảnh hưởng rất lớn tới năng suất chăn nuôi của bà con.
Ngược lại nếu bà con tuân thủ vệ sinh chuồng trại tốt, định kỳ tiêm phòng, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, đảm bảo thức ăn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho thỏ thì thỏ sẽ nhanh lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
- Một số bệnh thường gặp
3.1 Bệnh ghẻ thỏ
Trong chăn nuôi thỏ nói chung và trong chăn nuôi thỏ sinh sản nói riêng bệnh ghẻ là một trong những loại bệnh mà thỏ thường xuyên mắc phải nhất.
Bệnh ghẻ thỏ do một loại ký sinh trùng gây ra, nó có thể tồn tại ở tất cả các dụng cụ chăn nuôi, tồn tại ở chuồng nuôi, đáy chuồng nuôi… Vì vậy trong quá trình chăn nuôi thỏ bà con lưu ý khi phát hiện ra các cá thể thỏ bị bệnh ghẻ bà con nên tiến hành điều trị kịp thời.
Sử dụng các loại thuốc điều trị nội và ngoại ký sinh trùng hiện nay được bán phổ biến trên thị trường hoặc được bán ở các cơ sở thuốc thú y theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Thời gian điều trị cho thỏ rất ngắn từ 5 – 7 ngày thì các chỗ ghẻ sẽ bị bong vảy ra và thỏ sẽ khỏe mạnh trở lại.
Nếu bà con không chữa trị bệnh ghẻ cho thỏ thì trong quá trình chăn nuôi thỏ sẽ không phát triển tốt được do quá trình bị ghẻ thỏ bị ngứa ngáy sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng khi gãi các chỗ ghẻ đó. Trong thời gian dài thỏ không được chữa trị thì thỏ sẽ ăn ít đi, cơ thể bị hao mòn do thiếu chất dinh dưỡng. Nếu bị ghẻ nặng các móng chân thỏ sẽ bị bong ra, dần dần thỏ bị gầy yếu nên dễ dàng bị các bệnh khác dẫn đến thỏ bị chết.
- Bệnh cầu trùng thỏ
Bệnh cầu trùng thỏ có 2 chủng có thể kí sinh ở gan hoặc có thể kí sinh ở ruột tuy nhiên chỉ phòng và điều trị chung một loại thuốc đặc trị cầu trùng trong chăn nuôi gia súc hoặc gia cầm đó là SEB3.
Cách sử dụng thuốc SEB3 bằng cách pha vào trong nước uống hoặc trộn vào thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn in trên bao bì của sản phẩm.
Đối với thỏ thì trong người đã luôn mang vi khuẩn cầu trùng bên trong. Tuy nhiên đối với thỏ trưởng thành sẽ không bị chết bởi bệnh vi khuẩn cầu trùng mà thỏ chỉ chết khi thể cầu trùng bị quá nặng và bị thêm một số bệnh nào đó dẫn tới viêm nhiễm kế phát.
Bệnh vi khuẩn cầu trùng xảy ra nhiều nhất ở giai đoạn thỏ sau cai sữa trong khoảng thời gian 35 – 40 ngày tuổi. Sau khi cai sữa xong sức đề kháng của thỏ còn yếu nên có thể bị lây nhiễm bệnh vi khuẩn cầu trùng từ mẹ sang trong khoảng thời gian 15 ngày.
Để phòng bệnh vi khuẩn cầu trùng yếu tố đầu tiên là phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thức ăn, nước uống phải đảm bảo hợp vệ sinh bởi vì vòng đời của vi khuẩn cầu trùng là ăn vào rồi thải ra, rồi nhiễm lại.
Ấu trùng cầu trùng tồn tại trong điều kiện môi trường ẩm ướt khi trời mưa và vi khuẩn sẽ bị dồn về chỗ trũng. Khi sử dụng các loại thức ăn như rau, củ quả cắt ở các vùng trũng hoặc bờ ruộng, đặc biệt là rau cỏ sử dụng phân tươi để bón thì tỉ lệ nhiễm vi khuẩn cầu trùng rất lớn.
Khi thỏ con cai sữa bà con cần phải đề phòng bệnh cầu trùng kịp thời vì loại bệnh này sẽ gây ảnh hướng rất lớn tới năng suất chăn nuôi. Thường xuyên theo dõi thỏ con để phòng trị bệnh kịp thời mới đảm bảo thỏ có thể khỏe mạnh trở lại, nếu bệnh cầu trùng bị quá nặng sẽ không thể chữa trị.
Sau khi thỏ con tách ra khỏi con mẹ thì bà con nên sử dụng các loại thuốc kháng sinh cho thỏ uống để phòng bệnh cầu trùng.
- Bệnh bại huyết thỏ
Đây là loại bệnh xảy ra ở nhiều nước trên thế giới nhưng chỉ mới xảy ra ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1999 trở lại đây. Là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại vi rút gây ra có tính lây lan rất nhanh và rộng. Trong môi trường nhiễm bệnh điều kiện vệ sinh nuôi dưỡng kém sẽ làm cho bệnh bùng phát rất nhanh, rộng và gây chết thỏ hàng loạt. Bệnh chủ yếu xảy ra ở thỏ lớn, lứa tuổi từ 1,5 tháng tuổi trở lên.
Triệu chứng lâm sàng
- Thỏ vẫn ăn uống bình thường.
- Đôi khi thỏ lờ đờ.
- Bỏ ăn trong thời gian ngắn rồi chết hàng loạt.
- Trước khi chết thỏ giãy giụa, quay vòng, máu ọc ra ở mồm, mũi, gan sưng to, bở, vành tim, phổi, khí quản xuất huyết.
Phòng bệnh
Bệnh bại huyết thỏ việc chữa trị hầu như chưa có hiệu quả mà chủ yếu là cách phòng bệnh cho thỏ.
Phòng bệnh cho thỏ bằng cách tiêm phòng vắcxin VHD bại huyết định kỳ với liều lượng 1ml/con thường xuyên tiêm cho thỏ trong thời gian 6 – 8 tháng/lần.
Cùng với việc tiêm phòng cần phải thường xuyên vệ sinh sát trùng chuồng trại để tránh sự tồn tại và xâm nhập của mầm bệnh.
- Bệnh đau bụng ỉa chảy
Thực chất của loại bệnh này là do thỏ bị rối loạn tiêu hóa do chuyển tiếp thức ăn đột ngột, thức ăn, nước uống bị dính tạp chất bẩn như dính nước mưa, nước hồ ao bẩn, uống nước lạnh hoặc thỏ nằm trên đáy lồng cao bị gió lạnh lùa vào bụng…
Thỏ ở lứa tuổi sau khi cai sữa 1 tuần đến khi được 3 tháng rất hay bị mắc bệnh này.
Dấu hiệu của bệnh
- Phân thỏ lúc đầu hơi nhão sau đó lỏng dần thấm dính bết lông quanh hậu môn.
- Thỏ kém ăn, lờ đờ.
- Uống nước nhiều, gầy yếu dần rồi chết.
Trị bệnh
- Cần đình chỉ ngay các loại thức ăn nước uống hoặc yếu tố gây mất vệ sinh.
- Cho thỏ uống ngay nước chiết suất đặc của cây nhọ nồi, búp chè, búp lá ổi, cỏ sữa…
- Cho thỏ uống Colinorgen hoặc Sulfaganidin với liều lượng 0,1g/kg thể trọng với thời gian 3 ngày liền.
- Bệnh viêm mũi
Xoang mũi của thỏ có rất nhiều vách ngăn phức tạp, trong đó thường chứa đọng các vi khuẩn tiềm sinh và bụi bặm. Nếu thỏ bị tác động của môi trường không khí ngột ngạt, thay đổi thời tiết đột ngột, gió lùa mạnh, ẩm thấp, vận chuyển đường dài, thỏ mệt nhọc thì bệnh viêm mũi phát ra đôi khi kết hợp với bệnh khác như tụ huyết trùng, tụ cầu trùng thì bệnh sẽ trở nên nặng và phức tạp hơn.
Dấu hiệu
- Thỏ bị viêm mũi sẽ hắt hơi, chảy nước mũi, khó thỏ và thở có tiếng ran sau đó có dịch mủ chảy ra và sốt.
- Thỏ thường lấy 2 chân trước dụi mũi nên lông phía trong 2 bàn chân trước bị rối, dính bết lại.
Phòng bệnh
Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tạo nên môi trường vệ sinh phù hợp, đặc biệt khi vận chuyển thỏ đi xa cần tránh mưa, nắng, gió lùa mạnh, lồng vận chuyển phải có vách ngăn, có đồ lót khô, sạch, không nhốt quá chặt để thỏ đè lên nhau.
Trị bệnh
- Khi thỏ mới bị viêm mũi cần phải thay đổi môi trường hợp vệ sinh
- Dùng các loại thuốc như Chloramphenicol, Streptomycin, Kanamycin để nhỏ vào hai lỗ mũi thỏ với liều lượng nhỏ hai lần mỗi ngày cho đến khi thỏ khỏi bệnh.
- Nếu thỏ bị bệnh viêm mũi nặng cần tiêm thêm cho thỏ Streptomycin liều lượng 0,1g/kg thể trọng hoặc tiêm Kanamycin với liều 0,05g/kg thể trọng trong thời gian 3 ngày liền.
Một số thao tác trong chăn nuôi thỏ
- Bắt thỏ
Do thỏ có tập tính động dục ầm thầm lặng lẽ nên bà con cần phải bắt thỏ để kiểm tra nhưng cần phải lưu ý một số điều dưới đây:
- Bà con không được cầm trực tiếp tai thỏ nhấc lên vì sẽ làm cho các mạch mau, dây chằng, thần kinh bị đứt, làm tụ máu và rũ tai thỏ.
- Không được cầm nắm bụng thỏ để xách lên vì sẽ làm cho thỏ bị bục dạ dày, đứt ruột, sảy thai.
- Không nắm trực tiếp hai chân sau thỏ rồi xách lên vì có thể làm cho thỏ bị xảy thai.
Đối với thỏ trưởng thành bà con dùng tay thuận của mình nắm lấy toàn bộ phần đầu, tai cũng như phần da gáy sau lưng thỏ và tay còn lại đỡ phần đuôi của thỏ vừa thuận tiện cho quá trình kiểm tra vừa không gây tổn hại cho thỏ.
- Phân biệt thỏ đực, thỏ cái
Trong chăn nuôi thỏ bà con có thể phân biệt thỏ đực và thỏ trong khoảng thời gian thỏ được 20 ngày tuổi. Nên tiến hành phân biệt giới tính cho thỏ trước khi cai sữa để tách ra nuôi dưỡng riêng.
Phân biệt thỏ đực, thỏ cái bằng cách dùng một tay cầm da gáy nhấc thỏ lên sau đó dùng tay còn lại kẹp đuôi thỏ vào ngữa hai ngón tay trỏ và ngón tay giữa, ngón tay cái ấn nhẹ vào lỗ sinh dục và vuốt ngược lên phía bụng.
Nếu thấy lỗ sinh dục của thỏ tròn, hình trụ nổi lên và xa lỗ hậu môn thì đó là con đực. Nếu lỗ sinh dục kéo dài thành khe rãnh, gần lỗ hậu môn thì đó là thỏ cái.
- Tiêm thỏ
Bà con có thể tiêm cho thỏ bằng 2 đường tiêm đó là tiêm bắp và tiêm ở dưới da.
Tiêm bắp
- Vị trí tiêm ở mặt trong đùi nơi có bắp cơ dày, không có mạch máu lớn.
- Một người bắt thỏ còn người kia sẽ tiêm bằng cách một tay giữ chân thỏ, dùng tay thuận cầm bơm tiêm đặt mũi tiêm vào dưới ngón tay cái đang đặt ở vị trí cần tiêm trên chân thỏ, nhẹ nhàng bơm thuốc vào.
Tiêm dưới da
- Bà con dùng một tay nhấc lớp da gáy thỏ kẹp giữa ngón cái và ngón trỏ, tay thuận cầm bơm tiêm đưa mũi tiêm vào vị trí da được kẹp giữa hai ngón tay và nhẹ nhàng bơm thuốc vào.
- Sát trùng tiêu độc
Ngoài công việc vệ sinh hàng ngày ra bà con cần định kỳ sát trùng lồng chuồng, máng ăn uống, ổ đẻ để tiêu diệt các ổ vi trùng và ký sinh trùng ngưng tụ lâu ngày.
Lịch sát trùng tiêu độc như sau
- Mỗi tuần sát trùng máng ăn, máng uống 2 lần.
- Hai tuần sát trùng lồng chuồng, lưới cỏ 1 lần.
- Sau khi bỏ ổ đẻ ra phải dọn sạch, rửa xong phơi khô trước khi lót ổ đưa vào lồng đẻ thì phải sát trùng.
- Mỗi quý phải quét dọn mặt bằng, rắc vôi bột hoặc phun thuốc sát trùng, thuốc diệt ruồi muỗi 1 lần.
- Trước khi sát trùng bà con cần phải quét dọn, rửa sạch rồi mới sử lý các biện pháp sát trùng như dùng lửa bằng đèn khò hoặc bằng giẻ tẩm dầu thiêu, dùng nước vôi dội, ngâm, dùng nước vôi tôi 10% hoặc dung dịch than củi, tro bếp 20% đun sôi lọc kỹ để phun và ngâm sát trùng dụng cụ chuồng nuôi.
- Có thể dùng các loại thuốc khử trùng được khuyến cáo để diệt trừ các mầm bệnh gây hại.
Trên đây là quy trình kỹ thuật nuôi thỏ lấy thịt mà chúng tôi đã tổng hợp một cách đầy đủ nhất, chúc bà con áp dụng thành công trong quá trình phát triển kinh tế mô hình nuôi thỏ.