Ông Lê Ngọc Tuấn ấp Hưng Thủy xã Lộc Thịnh huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước vốn là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chăn nuôi bò thịt và bò nọc phối giống rất băn khoăn về giống bò cỏ ở địa phương mình vì nó vừa nhỏ lại cho năng suất không cao. Do vậy để từng bước cải tạo đàn bò của gia đình và đàn bò của địa phương nên năm 2015 gia đình ông mua 35 con bò lai, trong đó có 10 con bò cái còn lại là bò đực. Số bò này một phần nuôi sinh sản, một phần nuôi bò thịt xuất bán cho lái thương.
xem thêm: Kỹ thuật nuôi bò nhốt chuồng
Qua 1 năm nuôi số đàn bò đã tăng lên 42 con, ông Tuấn cho biết trung bình mỗi con bò 1 ngày tiêu thụ hết khoảng 30kg cỏ, ngoài ra còn phải bổ sung thêm tinh bột. Để có thức ăn cho bò ông Tuấn đã trồng 2 hecta cỏ Voi, mua thêm 1 máy ghiền thức ăn gia súc và thuê riêng 2 công nhân chăm sóc bò.
Đàn bò lai nhà ông Tuấn thường có 5 loại đó là giống bò Red Angus, Drought Master, Brahman, Sind và 3B. Đây là những giống bò lai to lớn có hoặc không có sừng, lông ngắn, mượt, màu đỏ nhạt đến đỏ đậm, có khả năng kháng ve và các bệnh kí sinh trùng đường máu tốt, có khả năng gặm cỏ và thích nghi tốt với điều kiện nóng ẩm hoặc khô hạn. Khả năng tăng trọng và phẩm chất thịt tốt, tỉ lệ thịt xẻ cao được thị trường ưa chuộng. Trung bình 1 con bò sau khi nuôi khoảng 2 năm sẽ bán với giá trên 30 triệu đồng, ngoài tiền bán bò 1 năm gia đình ông Tuấn còn bán được trên 70 triệu đồng tiền phân bò.
Để thuận lợi cho công tác nuôi dưỡng, quản lý đàn bò của mình gia đình ông Tuấn đã xây dựng chuồng nuôi bò ở nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Diện tích chuồng nuôi bình quân từ 3 đến 5m2/con, tùy theo quy mô mà chuồng có thể xây dựng 1 dãy hoặc 2 dãy, nền chuồng làm chắc không láng trơn, có độ dốc 2 đến 3% về phía rãnh thoát. Ông Tuấn cũng trang bị đầy đủ máng ăn, máng uống dọc theo hành lang, trong lòng máng hình lòng mo, ngoài ra còn bố trí thêm hố ủ phân hoặc hệ thống cây xanh chống nóng cho bò trong mùa nắng.
Nhằm mở đàn bò ấp Hưng Thủy xã Lộc Thịnh thành lập được một tổ chăn nuôi bò lai với 11 hộ tham gia, tổng đàn gần 80 con bò. Một tháng các hội viên tổ chức sinh hoạt 1 lần mời cán bộ thú y, khuyến nông đến tư vấn hướng dẫn người dân chăn nuôi cách chăm sóc phòng bệnh, lai tạo giống bò lai đạt chất lượng cao hướng đến thay thế dần giống bò cỏ truyền thống của địa phương.
Thực tế từ trước đến nay theo tập quán bà con chăn nuôi bò chủ yếu là tự nhân giống điều này dẫn đến hiện tượng thoái hóa giống. Các giống bò địa phương nhỏ năng suất và chất lượng thịt không cao, lợi nhuận trong chăn nuôi thấp, do vậy việc lai tạo chuyển đổi giống bò đang được nhiều bà con nông dân quan tâm.
Cũng tại huyện Lộc Ninh gia đình ông Trần Văn Tiến ở ấp 7 xã Lộc Điền huyện Lộc Ninh đang nuôi 9 con bò lai. Năm 2015 vừa qua gia đình ông được trung tâm khuyến nông cấp cho một con bò đực lai Sind trong dự án cải tạo dàn bò của tỉnh với mong muốn trong thời gian tới đàn bò gia đình ông và các hộ dân trong vùng sẽ được lai tạo. Nhờ vào nuôi bò mà 5 năm nay gia đình ông đã có một nguồn thu đáng kể, ngoài ra còn có thêm nguồn phân để bón cho 2 hecta tiêu và nuôi cá.
Ông Tiến cho biết tuy nuôi bò vốn đầu tư lớn nhưng thời gian quay vòng vốn cũng nhanh, ít rủi ro, lãi cao hơn nhiều vật nuôi khác, kỹ thuật nuôi đơn giản và phù hợp hầu hết với các hộ chăn nuôi. Ngoài cám, các phụ phẩm như bắp, mì, khoai, rơm, cỏ khô đều có thể tận dụng để làm thức ăn cho bò vừa giảm chi phí lại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ở huyện Đồng Phú gia đình ông Nguyễn Khắc Liễn ấp 8 xã Tân Lập huyện Đồng Phú cũng đang nuôi vỗ béo 10 con bò lai siêu thịt giống Drought Master, Brahman, Sind. Trung bình mỗi con bò gia đình ông mua 22 triệu đồng , mặc dù mới nuôi được 8 tháng nhưng trọng lượng mỗi con ước tính cũng được khoảng 700kg, nếu bán vào thời điểm hiện nay thì lời khoảng 20 triệu đồng/con. Nhìn đàn bò trong giai đoạn vỗ béo da căng tròn ai cũng trầm trồ khen gợi.
Theo ông Liễn để bò lớn nhanh thì lượng thức ăn đảm bảo cho bò phải đạt 2,5% trọng lượng cơ thể. Ví dụ bò nặng 200kg cần khoảng 5kg vật chất khô trong 1 ngày, còn thức ăn thô xơ khoảng 15 đến 20kg. Khẩu phần hoàn chỉnh là đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho bò, bò có thể tự do lựa chọn sau khi đã trộn lẫn hoàn toàn cả hai loại thức ăn tinh và thô với nhau. Phương pháp cho ăn và tập cho bò ăn thức ăn tinh vô cùng quan trọng, lúc đầu nên cho bò ăn thức ăn thô xanh, ít thức ăn tinh để bò làm quen với khẩu phần năng lượng cao. Nếu ngay từ đầu bò ăn nhiều thức ăn tinh có thể bị chết do ngộ độc axit, thức ăn thô xanh cần kết hợp với thức ăn tinh để tạo ra một khẩu phần ăn hoàn chỉnh.
Theo sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn hiện nay tỉnh Bình Phước có khoảng trên 28000 con bò, trong đó bò cỏ hay bò vàng vẫn chiếm đa số. Do đó sở Nông Nghiệp khuyến cáo người dân nên chú trọng phát triển đàn bò lai nâng trọng lượng xuất chuồng đồng thời cần nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp để kiểm soát dịch bệnh.