Các xã giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp thuộc huyện Bình Tân như Tân Thành, Tân Hưng, Thành Trung vốn là những xã thuộc vùng kinh tế mới của Vĩnh Long vào những năm sau giải phóng. Tuy không phải là địa bàn rộng lớn như Đồng Tháp 10 hay tứ giác Long Xuyên nhưng cũng được xem là cái rốn của vùng lũ tỉnh Vĩnh Long và cũng đã quy tụ được rất nhiều người dân tứ phương về đây sinh sống. Là dân kinh tế mới nên buổi đầu hầu như ai cũng nghèo đã vậy đất mới cũng thuộc dạng khó khăn, khắc nghiệt, mọi người phải vất vả lắm mới bám trụ được lâu dài.
video phóng sự về mô hình nuôi bò của gia đình ông Nguyễn văn Rõ
Quê quán ở huyện Phú Tân tỉnh An Giang từ trong cuộc sống nghèo khó những hoàng cảnh giống nhau lại gặp nhau nên ông Nguyễn Văn Rõ đã xây dựng gia đình cùng vợ là người dân Vĩnh Long ở vùng kinh tế mới Tân Hưng này.
Là anh cả trong một gia đình nghèo có đến 12 anh chị em, sau khi lập gia đình ông chẳng có một thứ gì làm tài sản ngoài sức lao động của bản thân và vợ cũng chả khá hơn có lúc về sống ở ông ở An Giang cuộc sống cũng rất bấp bênh rài đây mai đó, làm thuê làm mướn đủ nghề. Đến lúc 4 thành viên nhỏ ra đời cuộc sống phát sinh nhiều nhu cầu khác nên từ năm 2000 ông đã quyết định rời bỏ quê nhà chuyển về quê vợ ở Tân Hưng, Bình Tân sinh sống cho đến bây giờ.
Khó khăn là vậy, vất vả là vậy nhưng cả gia đình ông Rõ có sự quyết tâm rất lớn để thoát nghèo. Mới về không vốn liếng làm ăn, họ hàng nhà vợ sống ở vùng kinh tế mới này mấy chục năm nhưng chả có ai dư nhiều để giúp đỡ bởi tất cả họ đều khó khăn như nhau. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước của cả nhà vẫn cứ tiếp diễn nhiều năm sau đó.
Gần 20 năm dành dụm, năm 2006 gia đình mới có điều kiện mua 2 công đất ruộng gần nhà để sản xuất kiếm gạo ăn. Do xuất phát điểm quá thấp dù cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không xoay chuyển được cái nghèo. Thấy vậy các tổ chức đoàn thể địa phương đã giúp gia đình ông bằng dự án cho vay vốn nuôi bò thịt vào năm 2007. Đó là lần đầu tiên gia đình ông Rõ được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước để làm ăn với nguyên tác sử dụng vốn đúng mục đích đồng thời phải bảo toàn vốn nên sau nhiều năm gia đình ông đã gây dựng nên đàn bò hơn chục con như hiện nay.
Vậy là chỉ sau gần 7 năm nuôi bò thịt vỗ béo với nguồn vốn ban đầu 6 triệu đồng đến nay tổng đàn và tổng vốn của gia đình ông Rõ đã tăng hơn 30 lần. Nhờ làm ăn hiệu quả, mới đây gia đình ông đã nhận vay được 30 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển đàn bò theo hướng bền vững hơn đó là nuôi bò sinh sản.
Hiện tại ngoài hơn chục con bò thịt vỗ béo ông đang nuôi 2 con bò cái sinh sản. Cuối năm nay sẽ tăng được 2 bê con nữa và cũng theo dự kiến của gia đình từ nay đến tết sẽ tiếp tục tìm mua vài con bò cái giống tốt nữa để phát huy đàn bò quy mô lớn hơn trong tương lai.
Nuôi bò thoát nghèo là chuyện chắc ăn mà ai cũng biết thế nhưng nuôi bò để nhanh thoát nghèo, nhanh làm giàu thì phải có sự nỗ lực lớn của người nuôi. Người ta không chỉ học hỏi rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhiều đối tượng khác nhau có thể là sách vở, có thể từ bạn bè hay từ các lớp tập huấn miễn sao áp dụng vào thực tế có lợi cho đàn bò là được. Ông Nguyễn Văn Rõ cũng vậy.
Hay việc nuôi mấy con cò cũng là một sáng kiến khá độc đáo của gia đình ông Rõ, những con cò sẽ ăn các loại ve, ruồi, muỗi đeo bám làm hại bò từ đó giúp bò mau lớn, tránh được nhiều bệnh truyền nhiễm.
Hai trong số 4 người con của ông đã lập gia đình riêng còn 2 người con trai đang sống cùng vợ chồng ông để làm thay tất cả các việc nặng nhọc cho gia đình. Nuôi nhiều bò, trồng cỏ đồng xa các anh mỗi ngày phải mất hơn nửa ngày cắt và vận chuyển về nhà. Công việc nặng nhất hiện nay là xử lý nguồn chất thải ngày càng nhiều hơn từ mô hình sản xuất. Thông thường sau khi có đủ vốn liếng hộ chăn nuôi mới đầu tư làm việc này.
Như đã nói các con của ông Rõ hiện đang giúp ông gánh vác mọi việc nặng nhọc, còn ông rãnh rỗi lại giăng lưới cắm câu giúp cải thiện bữa ăn của gia đình. Tuy nói rằng gia đình đã thoát khỏi cuộc sống khó khăn vươn lên khá giàu nhưng nỗi nhớ nghề mỗi khi cơn nước trắng đồng lại khiến ông ngày đêm bận rộn. Tuy nhiên kiếm cá trên đồng bây giờ cũng không được thuận lợi như trước. 2 năm nay gia đình ông thất thu vài chục triệu mỗi năm cũng vì đồng ít lươn, ít cá hơn xưa.
Nhận thấy nguồn lợi thủy sản không còn đủ phong phú để bà con vùng này tiếp tục cuộc sống nên dự án nuôi bò được đầu tư về đây quả là điều hợp lý. Bà con ở đây trong đó có gia đình ông Rõ đã tiếp nhận dự án bằng sự phấn khởi và quyết tâm cao. Là một trong những hộ nuôi trước nên ông Rõ có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ cùng xóm giềng.
Trên địa bàn xã có gần 60 hộ nuôi bò, riêng tại ấp Tân Phú đã chiếm đến 40% số hộ với tổng đàn trên 60 con. Trong đó riêng gia đình ông Nguyễn Văn Rõ đã chiếm 20% số bò của ấp, là hộ có đàn bò lớn nhất ở đây. Từ một hộ nghèo chỉ sau 7 năm đã vươn lên chăn nuôi quy mô trang trại, đây quả là một kỳ tích của gia đình ông Rõ và cũng có thể là với mọi người xung quanh. Bởi những người đã biết hoàn cảnh của ông không ai không biết nỗi khó khăn của ông và ai nấy đều thầm nghĩ nếu gia đình ông đủ ăn thì coi như đã tốt lắm rồi. Nhưng hiện tại trong 3 năm qua năm nào ông cũng bán xuất chuồng hơn chục con bò thịt, thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng. Riêng năm nay ông mới xuất bán hơn chục con, thu nhập gần 210 triệu đồng trong đó lợi nhuận trên 50% và đàn bò giống cứ đang tiếp nối.
Nông dân vốn không có nhiều chữ nghĩa để tính toán chuyện lớn lao nhưng có không ít người đã đi lên bằng những công việc nhỏ nhất xuất phát từ tình yêu lao động chân chính của bản thân. Ông Rõ cũng vậy, năm nay 58 tuổi đời ông chưa hề có khái niệm lười biếng trong đầu và tư tưởng đó cũng được ông truyền lại cho các con. Giờ đây có thể nói đại gia đình của ông Rõ đã bước qua khỏi bóng tối của sự nghèo khó, túng quẫn để chuyển lên trên con đường sáng lạng hơn, khấm khá hơn.
Vậy là cái kết của nghề nuôi bò mà gia đình ông Nguyễn Văn Rõ theo đuổi bao năm qua là cái kết tốt đẹp.