Trong những năm gần đây các mô hình chăn nuôi bò thịt ở thành phố Cần Thơ đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Thành phố Cần Thơ có khoảng 4.500 con, riêng Vĩnh Thạnh có khoảng 1.500 con. Quy mô chăn nuôi bò tại nông hộ cũng phát triển từ một hai con sang hàng chục con.

Theo kinh nghiệm đúc kết của những hộ nuôi bò có 5 yếu tố kỹ thuật quyết định thành bại trong nghề nuôi bò đó là:
- Chọn giống
- Chuồng trại
- Thức ăn
- Chăm sóc và quản lý
- Công tác thú y
Chọn con giống

Hiện nay một số trang trại chăn nuôi bò thịt đang sử dụng giống bò ngoại nhập cho tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ thịt cao và chất lượng thịt ngon. Tuy nhiên nhược điểm của giống bò này là chi phí đầu tư lớn cũng như đòi hỏi kỹ thuật cao. Tùy theo điều kiện và sở thích chúng ta có thể lựa chọn giống bò thịt lai hoặc bò ta để nuôi miễn sao biết cách áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong chăm sóc.
Trong khâu chọn bò giống bà con cần lưu ý
- Chọn những con bò có ngoại hình cân đối, khung xương lớn, có lông da bóng mượt, phàm ăn
- Những con bò có đòn dài, lớn nhanh, khỏe mạnh, lưng không võng.
Xây dựng chuồng trại
Để đảm bảo sức khỏe cho bò trong quá trình chăn nuôi người chăn nuôi cần chú ý đến hệ thống chuồng trại. Thông thường nếu nuôi bò với số lượng lớn có thể xây chuồng thành từng dãy dài, mỗi chuồng có diện tích khoảng 4 – 5m2 để thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng (định mức 2,5 – 3m2/con). Nếu muốn tiết kiệm chi phí tối đa trong xây dựng chuồng trại người nuôi tranh thủ sử dụng những vật liệu có sẵn như tre, gỗ. Chuồng trại nên xây dựng ở nơi cao ráo, thoáng mát, thoát nước tốt.
Khi xây dựng chuồng trại bà con cần chú ý
- Chuồng trại nên xây theo hướng Đông – Bắc và Tây – Nam để tránh được gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam.
- Mặt trước của chuồng bà con nên xây theo hướng đón được ánh sáng mặt trời giúp cho chuồng nuôi mau khô ráo, sát trùng chuồng trại.
Thức ăn cho bò

Để bò đảm bảo tốc độ lớn thì lượng thức ăn cho bò hàng ngày phải đảm bảo khoảng 2,5% trọng lượng cơ thể. Thức ăn cho bò rất đa dạng gồm thức ăn thô xanh, phụ phẩm, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung khoáng và vitamin. Để đảm bảo nguồn cỏ dồi dào cho bò quanh năm bà con nên có diện tích đất để trồng cỏ. Việc chọn được giống cỏ dễ trồng, phát triển và sinh trưởng rất quan trọng. Trọng chăn nuôi bò thịt có nhiều loại cỏ có năng suất, giá trị dinh dưỡng cao rất thích hợp để làm thức ăn cho bò như cỏ Va06, cỏ Voi, cỏ Sả, cỏ Ghine, cỏ Ruzi…
Bên cạnh việc cung cấp thức ăn thô xanh cho bò thịt bà con nên bổ sung thêm các loại thức ăn tinh như bột bắp, bột cá, cám gạo tấm, bột đậu, các loại phế phẩm, hèm bia, bã khoai, bã đậu, rỉ mật đường, khô dầu…giàu đạm protein để nâng cao hiệu quả nuôi bò. Trong thức ăn tinh tốt nhất bà con nên trộn thành hỗn hợp với nhau theo tỷ lệ phối trộn nhất định.
xem thêm: Các giống cỏ nuôi bò thịt
Bà con có thể phối trộn để sản xuất được thức ăn tinh hỗn hợp với thành phần như sau:
Công thức phối trộn 100kg thức ăn
- Tấm hoặc bắp: 50kg
- Cám gạo: 20kg
- Khô dầu các loại: 15kg
- Bột cá: 10kg
- Bột xương: 3kg
- Muối ăn: 1kg
Bà con lưu ý nguyên liệu thức ăn phải còn mới, không bị ẩm mốc hoặc có mùi lạ.
Nếu sử dụng thức ăn tinh bà con không nên thay đổi đột ngột mà phải thay đổi dần dần từ 4 – 5 ngày để con bò có thể làm quen với loại thức ăn tinh đó ( nếu thay đổi thức ăn tinh đột ngột con bò sẽ bị tiêu chảy…)
Với thức ăn thô xanh như rau, cỏ thì bà con cần phải phơi cho ráo nước nhất là vào mùa mưa để tránh cho bò không bị chướng hơi.
Chăm sóc và quản lý

Bê sau khi sinh thường được cai sữa vào khoảng 6 tháng tuổi, sau khi cai sữa nếu không được chăm sóc chu đáo, ăn thiếu chất thì bê non sẽ chậm lớn, còi cọc. Trong từng giai đoạn sinh trưởng bò cần đủ thức ăn với nhiều thành phần dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu sinh trưởng
Thức ăn thô xanh
- 6 tháng tuổi: 10kg/con/ngày
- 7 đến 12 tháng tuổi: 15kg/con/ngày
- 13 đến 20 tháng tuổi 20 – 25kg/con/ngày
Thức ăn tinh
- 1 đến 2kg/con/ngày, chia thành 2 – 3 lần mỗi ngày
Thường xuyên tắm chải cho bò lúc trời nắng ấm tối thiểu 2 ngày một lần, chuồng trại luôn giữ sạch sẽ. Bên cạnh việc đảm bảo chế độ ăn người nuôi cần chú ý đảm bảo nguồn nước uống vì điều này là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng của bò.
Vệ sinh phòng bệnh

Để phòng bệnh cho đàn bò ngoài việc thực hiện tốt lịch tiêm phòng, tẩy giun giúp bò chống lại các loại bệnh phổ biến như bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, sán lá gan thì bà con cần phải quét dọn hàng ngày để nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. Thức ăn, nước uống phải đầy đủ, chất lượng tốt, thức ăn là cỏ tươi khi cắt về bà con nên rửa rồi phơi ráo sau đó cho bò ăn đảm bảo sạch mầm bệnh, giảm chướng hơi dạ cỏ và tránh ngộ độc.
Bà con thường xuyên chăm sóc bò, theo dõi bò để có thể phát hiện dấu hiệu bò bị bệnh sớm để có những biện pháp điều trị bệnh kịp thời. Bà con chăn nuôi cũng có thể tham khảo một số kinh nghiệm hay chữa trị những bệnh thông thường cho bò mà bà con huyện Vĩnh Thạnh đã áp dụng thành công.
Với lợi thế về nguồn thức ăn cho bò chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp, cỏ, các loại thức ăn thô xanh, thức ăn tinh bổ sung chiếm tỷ lệ rất thấp, chi phí chuồng trại và thú y phòng trị bệnh không lớn, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng nên chăn nuôi bò đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao tạo công ăn việc làm và thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi.
Chi phí đầu tư vừa phải, kỹ thuật nuôi đơn giản và hiệu quả kinh tế khá nên mô hình nuôi bò thịt đang được các nhà khoa học và nhiều địa phương phổ biến nhân rộng nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi cho bà con nông dân.