Mô hình nuôi dê của gia đình anh Dương Văn Thiết ở Ấp Tràng 2, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh được xem là mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp cải thiện đời sống kinh tế của gia đình. Hiện anh Thiết đang nuôi dê Bách Thảo và dê lai Boer . Đây là 2 giống dê dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, thịt nhiều, giá bán ổn định. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi dê anh cho biết nuôi dê nhanh thu hồi vốn, thức ăn chủ yếu là các loại cây cỏ và không tốn nhiều công chăm sóc, điều quan trọng khi nuôi dê là phải chủ động được nguồn thức ăn trong mùa khô.
Đối với bà con nông dân có ít đất sản xuất việc xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi dê kết hợp với trồng tiêu nọc sống rất phù hợp. Như tại gia đình anh Thiết không những có nguồn thu từ bán dê mà anh còn ủ phân dê để bón cho cây tiêu. Phân dê có tác dụng giúp cây phát triển tốt, cải tạo đất, chống được dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Trong những năm qua hơn 2.000 nọc tiêu của gia đình anh đều được bón phân dê mà không cần phải sử dụng thêm một loại phân hóa học nào khác. Lá cây, keo lai trong vườn tiêu cũng được dùng để làm thức ăn cho dê. Mô hình chăn nuôi dê kết hợp với trồng tiêu bằng nọc sống được xem là mô hình khép kín hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Với ưu điểm dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên thời gian qua mô hình chăn nuôi dê trên địa bàn xã Lộc Quang phát triển khá mạnh. Anh Phạm Đình Dũng ấp Bù Tam, xã Lộc Quang cũng bắt đầu nuôi dê từ vài năm nay. Ban đầu anh chỉ nuôi vài con sau đó phát triển đàn lên đến 100 con, để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê nhất là vào mùa khô nên anh đã dành một khoảng đất gần 1.000m2 trồng cỏ và tận dụng thêm nguồn thức ăn từ rơm rạ. Năm 2015 nguồn thu từ nuôi dê của gia đình anh đạt gần 200 triệu đồng.
Theo hộ nông dân xã Lộc Quang trong vài năm trở lại đây mô hình chăn nuôi dê kết hợp với trồng tiêu nọc sống trên địa bàn xã đã được nhiều hộ nông dân áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp ổn định đời sống cho bà con.
Ông Ngô Văn Tuyển phó chủ tích hội Nông Dân xã cho biết từ vài chục hộ nuôi dê trước đây đến nay đã có gần 200 hộ nuôi với số lượng trên 2.000 con. Hầu hết bà con nông dân đều xây dựng mô hình chăn nuôi dê kết hợp với trồng tiêu nọc sống để tận dụng nguồn thức ăn và phân bón cho cây trồng.
Phát triển chăn nuôi dê theo hướng thương phẩm là một trong những định hướng của xã Lộc Quang trong việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia “xây dựng nông thôn mới”. Hiện nay trong tổng số các hộ nuôi dê trên địa bàn xã có khoảng 10% hộ dân được hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình quốc gia này. Lãnh đạo địa phương cho biết phong trào nuôi dê của bà con chủ yếu là tự phát, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi dê để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Để ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi dê nói riêng phát triển một cách bền vững, trong thời gian tới bà con rất cần sự quan tâm hỗ trợ về mặt kỹ thuật để áp dụng hiệu quả và mô hình chăn nuôi của gia đình mình.
Theo trung tâm khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh phong trào nuôi dê trên địa bàn xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung đã và đang phát triển mạnh với số lượng và quy mô ngày càng nhiều do có đầu ra tương đối ổn định ở mức cao. Tuy nhiên hiện nay thị trường tiêu thụ thịt dê chủ yếu ở các quán ăn và nhà hàng mà chưa có các nhà máy chế biến. Để tiếp tục phát triển chăn nuôi dê một cách ồ ạt như hiện nay đến một lúc nào đó cung vượt quá cầu thì người chăn nuôi sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng chính là điều mà các cơ quan quản lý nhà nước ngay từ lúc này cần phải tính đến.
Qua tìm hiểu thực tế ở các hộ nuôi dê xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh cho thấy mô hình chăn nuôi dê đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít lại tận dụng được công lao động nên rất phù hợp với bà con nông dân nhất là những hộ nghèo ở nông thôn. Tuy nhiên để phát triển một cách bền vững trong thời gian tới các địa phương có phong trào nuôi dê mạnh cần tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền, tổ chức cho bà con nông dân tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con chủ động trong công tác tiêm phòng dịch bệnh nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn. Từ đó hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp con giống góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn trong tình hình mới.