Những năm qua bà con nông dân và nhiều địa phương trong tỉnh An Giang đã có bước đi năng động, linh hoạt chuyển đổi các vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong đó có cây cỏ. Mô hình trồng cỏ nuôi bò giúp bà con nông dân An Giang giảm nghèo và từng bước làm giàu trên chính cánh đồng của mình. Cách làm này phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp chung của tỉnh. Câu chuyện về những hai lúa đi trồng cỏ nuôi bò ở An Giang có thể đem đến cho chúng ta đôi điều thú vị và đáng suy ngẫm về bước đi hội nhập gắn kết với kinh tế thị trường.
Khái niệm đi thăm đồng với nhiều hộ nông dân ở An Giang hiện nay không chỉ là chuyện đi thăm lúa, hoa màu mà còn là những cánh đồng cỏ. Cỏ và cỏ chỉ riêng Ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới đã có đến gần 50 hecta trồng cỏ.
xem thêm: các giống cỏ nuôi bò
Gia đình anh Lê Văn Khâm nằm trong số 70% hộ nông dân của xã thực hiện mô hình chuyển đổi trồng cỏ nuôi bò bên cạnh các mô hình hiệu quả khác như mô hình 2B trồng bắp nuôi bò nơi đây.
Cỏ được trồng khắp nơi dọc theo bờ đê, tuyến kênh trên những vùng đất canh tác lúa kém hiệu quả chuyển sang. Bên cạnh việc tận dụng đất nhà nhiều hộ nông dân ở Chợ Mới và các địa phương khác trong tỉnh còn thuê đất để trồng cỏ.
Đất nào cỏ nấy bà con đã linh hoạt trồng các loại cỏ khác nhau như cỏ Voi, Va06… phù hợp với từng loại đất, điều kiện khí hậu, thời tiết thế nên nguồn thức ăn xanh này luôn đảm bảo cung ứng đủ cho đàn bò quanh năm.
Với đàn bò 25.000 con dẫn đầu tỉnh An Giang nên Chợ Mới không sợ đầu ra của cỏ vấn đề là tìm đầu ra ổn định cho đàn bò từ chất lượng bò giống và bò thịt để tăng thêm thu nhập cho người nông dân.
Tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi không đồng nghĩa với việc từ bỏ cây lúa quay sang con cá, con tôm hay cây trồng, vật nuôi nào khác. Điều quan trọng nhất khi chuyển đổi không thể chỉ dựa vào nguồn cung quên đi hướng cầu mà phải bắt đầu từ những đổi mới trong tư duy nông nghiệp. Chuyển đổi từ tư duy làm ra nhiều nông sản sang làm ra nhiều giá trị từ nông sản. Rõ ràng với những gì đã làm được từ mô hình trồng cỏ nuôi bò người nông dân huyện Chợ Mới, An Giang đã ít nhiều thể hiện tư duy mới trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp . Tuy nhiên mô hình này vẫn còn mang tính tự phát, phân tán nhỏ lẻ rất cần sự định hướng, quy hoạch và đầu tư phát triển một cách lâu dài và bền vững.
Chú bê 1 tháng tuổi là thành viên nhỏ nhất trong đàn bò 60 con của trang trại ông Nguyễn Lợi Đức ở xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn. Sáu Đức được biết đến như là một trong những vua lúa ở đồng bằng Sông Cửu Long. Tháng 11 năm 2013 ông chuyển một phần đất sản xuất lúa của mình gồm 70 hecta sang xây dựng trang trại trồng cỏ nuôi bò. Giá lúa bấp bênh, thị trường xuất khẩu gạo khó khăn teo tóp cùng bao chuyện trên hành trình nhọc nhằn của hạt lúa khiến ông tìm đến thử nghiệm mô hình trồng cỏ nuôi bò. Thử nghiệm nhưng đầy lạc quan và tự tin trên cơ sở tìm hiểu nắm bắt quy trình sản xuất và nhu cầu thị trường.
25 hecta cỏ này sẽ đảm bảo đủ nguồn thức ăn trước mắt cũng như lâu dài cho đàn bò 500 con như kế hoạch mà Sáu Đức vạch ra vào cuối năm nay. Trồng cỏ không chỉ phục vụ cho chăn nuôi bò với hình thức tự cung tự cấp mà còn là hàng hóa để bán. Với mức giá 700 đồng/1kg cỏ tươi như hiện nay ông Đức tin sẽ thu về 170 – 180 triệu đồng/hecta/năm. Song điều quan trọng với người nông dân dày dặn kinh nghiệm này là không thể sản xuất tự phát đơn lẻ mà phải hướng đến liên kết bền chặt dài lâu.
Bước đi năng động của những người nông dân như ông Sáu Đức cùng thuận chiều với định hướng và quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh An Giang. Nếu như Chợ Mới chủ yếu phát triển mô hình trồng cỏ nuôi bò theo hình thức hộ cá thể thì huyện miền núi Tri Tôn được chọn là vùng trọng điểm để phát triển trang trại trồng cỏ nuôi bò siêu thịt ứng dụng công nghệ cao.
Trước mắt từ năm 2014 đến năm 2016 Tri Tôn sẽ đầu tư xây dựng 10 trang trại chăn nuôi bò làm nòng cốt quy hoạch đồng cỏ, cải tạo đàn bò cái nền và nhập giống bò ngoại nhập phù hợp với điều kiện chăn nuôi địa phương.
Dự kiến đến năm 2016 An Giang sẽ mở rộng diện tích trồng cỏ 700 hecta và phát triển đàn bò trên 100.000 con tiếp tục nằm trong top 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sự phát triển đàn bò kéo theo tỷ lệ thuận phát triển của những cánh đồng cỏ. Tuy nhiên đây là sự chuyển đổi và quy hoạch động hướng đến tăng cao thu nhập cho người nông dân và không hề ảnh hưởng đến tỷ trọng cơ cấu nông nghiệp của tỉnh cũng như vấn đề lớn an ninh lương thực quốc gia.
Lúa một bên và cỏ một bên, ở góc độ nào đó đấy là sự chung sống hòa bình và cùng hợp tác phát triển trên cánh đồng của những người nông dân sản xuất giỏi như Sáu Đức. Dù là mô hình nào điều quan trọng vẫn là hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên cùng một diện tích đất canh tác. An Giang đã và đang có những bước đi đầu tiên khá vững vàng và đúng hướng.
Chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác không chỉ giúp giảm lượng hàng hóa nhập khẩu mà còn cân đối lại lượng lúa gạo hiện dư thừa và bảo vệ độ màu mỡ của đất đai. Tuy nhiên chủ trương này bước đầu khi triển khai dù được cho là mang lại hiệu quả thiết thực nhưng nhìn lại về nhận thức, cách làm của một số địa phương cũng như từng cá nhân người nông dân nó vẫn còn nhiều điều bất cập. Bởi vựa lúa quốc gia đã từng chuyển trồng lúa sang trồng đậu nành, bông vải, mè nuôi bò sữa nhưng không thành công vì thiếu giải pháp đồng bộ. Việc chuyển đổi là cần thiết nhưng phải trên cơ sở kết quả rà soát, quy hoạch, phân công, phân vai trong liên kết vùng tạo giống mới cạnh tranh, tổ chức sản xuất. Đặc biệt là phải đảm bảo thị trường tiêu thụ và phải liên kết vùng. Xoay quanh những điều kiện cần thiết để thực hiện chủ trương chuyển đổi thành công.