Từ lần bỏ rừng về thăm bò nhà ở vườn quốc gia Phước Bình năm 2010 con bò tót đực đã nhanh chóng kiểm soát tất cả bò cái nhà và cho ra đời những con bê lai.
Ban đầu người ta chỉ nhận ra những con bò tót rừng F1 chủ yếu qua tính cách hung hăng và lớn nhanh hơn những con bò tót cùng trang lứa nhưng sau 4 năm quay trở lại đây những thế hệ con lai đầu tiên của bò tót rừng đã hoàn toàn trưởng thành và mang hình thể đặc trưng của bò tót. Hơn 20 chú bò tót lai đã chào đời, dự án khảo nghiệm bò tót lai được thành lập với kinh phí gần 2 tỉ đồng do cả 2 Sở Khoa Học Công Nghệ Ninh Thuận và Lâm Đồng cùng chung tay.
Hiện có 10 con đã giám định ADN nuôi dưỡng cẩn thận trong trang trại bò tót lai của vườn quốc gia Phước Bình. 10 con bò tót lai từ 2 – 3 tuổi dù chưa đến tuổi trưởng thành nhưng dáng vẻ oai vệ từ màu lông đến vóc dáng đều khác biệt hẳn so với bò nhà. Con nặng nhất đã gần 600kg, to gấp 3 lần bò nhà cùng lứa. Đa số bò tót lai đều có sừng cong, dài đều 2 bên, lông có màu nâu sẫm, càng lớn thì màu lông càng ngã về màu đen như bò tót cha. Ngoài trọng lượng là điểm nhấn phân biệt nhất là bò tót lai không hề có u trên lưng và nọng dưới cổ một đặc điểm mà bò nhà thuần chủng nào cũng có. Đồng thời nhiều bò tót lai đã dần lộ ra 4 chân màu trắng, đặc điểm không thể nhầm lẫn của bò tót. Dù là bò được nuôi nhốt nhưng những chú bò tót lai này vẫn mang đặc tính hoang dã rõ nét, cả bầy bò không có con nào được xỏ mũi như bò nhà bởi chúng quá hiếu động và hung dữ nên không ai dám ghì đầu để thực hiện thủ tục vào đời mà bất cứ chú bò nhà nào cũng phải trải qua.
Mối giao duyên bất ngờ giữa bò tót và bò nhà đã tạo nên một hiện tượng khoa học lý thú. Vừa qua viện Vật Lý hạt nhân Đà Lạt đã giám định và cho ra kết quả tất cả bò tót lai đều có nhiễm sắc thể là 2N = 58 trong khi đó cặp nhiễm sắc thể của bò nhà là 2N = 60 và bò tót rừng là 2N = 56. Dù có sự khác biệt với bò nhà và bò tót rừng nhưng với cặp nhiễm sắc thể chẵn của các bò tót lai đã có cơ sở để cho lai giống với các giống bò khác để cho ra thế hệ F2. Hiện tại vườn quốc gia Phước Bình đang cho thử nghiệm phối giống giữa bò tót lai F1 với nhau dự kiến sắp tới sẽ cho lai bò cái F1 với bò đực nhập ngoại và bò đực F1 với bò cái lai Sind. Nếu thành công thế hệ F2 sẽ là nguồn Gen quý hiếm có nhiều đặc tính nổi trội của bò tót rừng để đưa vào nhân rộng trong chăn nuôi.
Đây là trang trại có 8 chú bò tót lai của vườn quốc gia Phước Bình huyện Bắc Ái tỉnh Ninh Thuận. Hiện nay những chú bò tót này đang được 2 vú nuôi chăm sóc. Tuy là giống bò tót lai nhưng đặc tính hung dữ vẫn còn, mỗi khi lại gần là bò thay đổi sắc mặt, gầm gừ muốn tấn công. Công việc chăm sóc bò tót lai khá đơn giản nhưng không phải ai cũng dám làm. Hàng ngày phải cắt cỏ cho bò ăn, cho bò uống nước, thời gian rảnh thì chăm vườn cỏ Voi và lân la làm quen để bò dạn người hơn. Đây là việc làm cần thiết để thuận lợi cho việc lấy máu xét nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu hoặc khám thai cho bò vào thời kỳ sinh sản.
Đầu tháng 12 năm 2013 vườn quốc gia Phước Bình mới xây dựng một căn nhà rộng 200m2 để bò vào trú mưa, trú nắng, ăn uống được điều độ hơn. Tuy nhà đã xây hơn 1 tháng nay nhưng chẳng khi nào đàn bò chịu vào, cứ dụ chúng vào thì chúng lại nhảy ra. Tường rào cao 1,5m nhưng con bò chỉ cần nhún chân là đã bay ra ngoài.
Ông Phạm Ngọc Hoàng phó giám đốc vườn quốc gia Phước Bình cho biết nhờ sự chăm sóc của 2 vú nuôi mà đàn bò tót lai khỏe mạnh hiện đang tới thời kỳ sinh nở. Được biết ban chủ nhiệm dự án đã mua 8 chú bò tót lai này của người dân với giá 300 triệu đồng. Việc nuôi bò tót lai này nhằm phục vụ đề tài nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà do sở Khoa Học Công Nghệ 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa cùng với vườn quốc gia Phước Bình thực hiện để nghiên cứu tốc độ phát triển và khả năng sinh sản của bò tót lai nhằm tạo ra đàn bò thịt cho năng suất cao, chất lượng tốt.