Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng do làm tốt khâu quản lý dịch bệnh và có chính sách hỗ trợ về chăn nuôi cũng như tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao cho nông dân áp dụng nên tình hình chăn nuôi ở Vĩnh Long vẫn phát triển ổn định và đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó chăn nuôi con bò đã tỏ ra có nhiều ưu thế và tăng trưởng mạnh hơn cả. Theo thống kê của ngành chức năng hiện tổng đàn bò cả tỉnh đạt trên 64.000 con tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi năm tăng trên 2.000 con, số lượng đàn bò tập trung nhiều ở các Huyện như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Long Hồ. Đây được xem là một trong những giải pháp tốt để thực hiện chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị nông nghiệp của địa phương.
Chăn nuôi bò ở Vĩnh Long đã có từ lâu đời dưới dạng chăn nuôi hộ gia đình và sử dụng chủ yếu là giống bò Vàng địa phương có tầm vóc nhỏ, trọng lượng thấp. Cho đến nay chất lượng đàn bò trong tỉnh vẫn chưa nâng cao lắm, tỷ lệ bò lai Sind mới chỉ chiếm khoảng 30%. Trong khi đó tỷ lệ các giống bò địa phương chiếm đến trên 70% ảnh hưởng không ít đến hiệu quả sản xuất của bà con chăn nuôi. Vì vậy việc nâng cao chất lượng đàn bò luôn được ngành nông nghiệp tỉnh hết sức quan tâm. Với định hướng tăng dần tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp toàn diện của tỉnh nên chăn nuôi bò được xác định là một trong những chương trình trọng điểm được triển khai rộng khắp các huyện trong tỉnh. Theo đó ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện các chương trình như cải tiến đàn bò Vàng địa phương lai tạo bò thịt theo hướng Sind hóa và nâng cao chất lượng đàn bò thịt nhằm từng bước cải tạo tầm vóc và trọng lượng đàn bò theo hướng chất lượng cao.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công trong chăn nuôi đó là con giống. Con giống chất lượng cao sẽ quyết định năng suất, chất lượng thịt và giá thành chăn nuôi. Do vậy ngành nông nghiệp Vĩnh Long rất chú trọng đến việc đẩy mạnh thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Sind hóa và thụ tinh nhân tạo các giống bò ngoại có chất lượng cao đồng thời khuyến cáo bà con nông dân bỏ dần các giống bò địa phương năng suất thấp để chuyển sang chăn nuôi các giống bò này. Ngoài ra tỉnh cũng có chiến lược nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò thịt với tỷ lệ lai giống bò ngoại chiếm từ 60 – 70% trở lên bằng cách cho lai tạo đàn bò Vàng với bò Cao Sản nhập khẩu để tạo ra đàn bò cái hậu bị có từ 50 – 60% máu lai ngoại F1 làm nền để tiếp tục lai với các giống bò ngoại như Zebu, Brahman, 3B nhằm từng bước nâng cao năng suất và giá trị đàn bò mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Đến nay nhiều hộ dân trong tỉnh đã chú trọng phát triển đàn bò sinh sản và bò thịt theo hướng nâng cao chất lượng bằng cách thay thế giống bò Cỏ địa phương bằng các giống bò lai ngoại để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Anh Châu Thanh Đoan ở Ấp Quang Bình, xã Quế An, huyện Vũng Liêm đã nuôi bò từ 10 năm trước đây và cũng là người rất mạnh dạn trong việc chuyển đổi giống bò Cỏ truyền thống sang nuôi bò lai ngoại. Nhiều năm qua anh không còn coi chăn nuôi bò là hoạt động kinh tế phụ mà là một trong những nguồn thu nhập chính giúp gia đình ổn định cuộc sống và đi lên. Ban đầu anh nuôi giống bò Cỏ địa phương nên thu nhập không cao, về sau anh đã chuyển dần sang nuôi bò lai Sind để đạt hiệu quả sản xuất hơn. Do bò lai có năng suất cao và bán với giá cao hơn bò Vàng địa phương khoảng 5 triệu đồng một con.
Cũng nhằm để cải tạo đàn bò có tầm vóc lớn và đạt tỷ lệ thịt cao ngành nông nghiệp Vĩnh Long còn chuyển giao cho các hộ chăn nuôi những con bò cái lai Sind làm nền để tiếp tục lai các giống bò ngoại siêu thịt. Tổ chức các câu lạc bộ khuyến nông để làm cầu nối tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân. Đẩy mạnh công tác thú y cở sở để kiểm tra theo dõi dịch bệnh qua đó giúp cho phong trào chăn nuôi bò ở các địa phương phát triển thuận lợi, tiến độ Sind hóa diễn ra nhanh chóng. Hiện nay tỷ lệ đàn bò giống lai Sind toàn tỉnh đã chiếm gần 20% và đàn bò đực lai Sind chiếm trên 86%, riêng tại huyện Vũng Liêm một địa phương có số lượng bò phát triển nhiều nhất tỉnh với tổng đàn gần 25.000 con trong đó bò lai Sind chiếm trên 90%.
Nuôi bò ít rủi ro, không tốn chi phí nhiều, người nuôi chỉ đầu tư vốn một lần để mua con giống, nguồn thức ăn chủ yếu là tận dụng cỏ, rơm rạ và các phụ phế phẩm trong trồng trọt nên mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao. Tuy nhiên với xu thế phát triển đàn bò ngày càng tăng về số lượng và quy mô cũng dần được mở rộng theo hướng chăn nuôi lớn tập trung và tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao thì vấn đề đảm bảo nguồn thức ăn là rất quan trọng. Do vậy ngành chức năng cũng khuyến cáo những hộ nuôi từ 5 – 10 con trở lên cùng với việc tận dụng nguồn rơm, cỏ tự nhiên cũng cần tận dụng những diện tích đất biền chéo hoặc những vùng đất trồng trọt không hiệu quả để trồng cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao làm thức ăn cho bò. Cách làm này vừa giúp tăng hiệu quả chăn nuôi vừa nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất.
Ông Trần Văn Tương ở Ấp Hậu Thành, xã Long An, huyện Long Hồ có 8 công ruộng trong đó có hơn nửa công là đất bị chéo trồng lúa kém hiệu quả. Mấy năm nay ông đã chuyển sang trồng cỏ để chăn nuôi bò, hiện nay đàn bò đã phát triển được 4 con. Theo ông ngoài tận dụng rơm và nguồn cỏ tự nhiên thì việc trồng thêm cỏ để nuôi bò cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn. Bình quân nửa công cỏ sẽ đảm bảo nuôi từ 3 – 4 con bò.
Các chương trình cải tạo nâng cao chất lượng và phát triển đàn bò được thực hiện trong những năm qua đã gặt hái được những kết quả khả quan. Đến nay không chỉ tăng nhanh về số lượng mà chất lượng đàn bò của tỉnh Vĩnh Long cũng đã được nâng lên đáng kể mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho người chăn nuôi. Tuy nuôi bò chưa nhiều bình quân từ 3 – 5 con một hộ nhưng việc chăn nuôi bò cũng đã giúp cho nhiều gia đình ở nông thôn cải thiện được thu nhập. Theo tính toán của những người am hiểu, mỗi con bò lai Sind nuôi khoảng 10 tháng xuất chuồng bán với giá 30 – 35 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 10 triệu đồng.
Hiện phong trào chăn nuôi bò ở Vĩnh Long đang phát triển theo hướng tích cực, đây là dấu hiệu đáng mừng cho ngành chăn nuôi tỉnh nhà. Tuy nhiên thời gian tới bà con chăn nuôi vẫn còn rất cần đến sự đầu tư và hỗ trợ của các cấp chính quyền và ngành chức năng nhất là về vốn sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi định hướng cho từng giai đoạn phát triển cụ thể để hoạt động chăn nuôi bò có điều kiện phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn góp phần làm tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp và cải thiện đời sống nông dân tỉnh nhà.