Câu hỏi của anh Đoàn văn Hưng ở Hà Nội liên quan đến vấn đề về độ sâu thích hợp của ao nuôi cá trắm cỏ
Câu hỏi:
Ao rộng 3600m2, sâu 70cm thả cá trắm và cá chép được 2 tháng.
Cá có hiện tượng nổi lờ đờ trên mặt nước, 2 bên gáy xuất huyết nên có màu đỏ.
Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?
Trả lời:
Đối với ao nuôi cá trắm cỏ có độ sâu 70cm sẽ không đạt yêu cầu khi nuôi cá đặc biệt là cá trắm cỏ. Do cá trắm cỏ sống trong môi trường nước, phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện của môi trường nên bà con cần phải đảm bảo lượng nước phù hợp thì cá mới có thể sinh trưởng và phát triển tốt.
Mực nước nuôi cá trắm cỏ ít nhất phải từ 1,5 – 1,8m mới đảm bảo được khối lượng nước để không gây ra những sự biến động biên độ nhiệt độ trong một ngày quá lớn. Nhiệt độ nước có thể biến động vào buổi sáng là 24 – 25 độ C nhưng buổi chiều có thể lên tới 32 – 33 độ C, nếu như sự biến động giao động từ 5 độ C đã có thể làm cho cá bị sốc nên độ sâu tiêu chuẩn ao nuôi cá trắm cỏ rất quan trọng.
Điều đầu tiên cần phải làm bây giờ bà con cần phải lấy nước vào cho ao có độ sâu ít nhất là 1,5m. Khi bơm nước từ bên ngoài vào cần để túi vôi ngay bên cạnh vòi nước để khử trùng tiêu diệt các mầm bệnh. Nếu không tuân thủ điều này có thể trong khi đưa nước vào ao sẽ mang theo các mầm bệnh gây hại khác làm cho cá bị bệnh năng thêm.
Khử trùng môi trường nước bằng BKC, TCCA, IODINE hoặc thuốc tím với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất in trên bao bì.
Nếu sử dụng IODINE hoặc thuốc tím nên sử dụng vào sáng sớm hoặc tốt nhất là buổi tối khi không có ánh nắng mặt trời để thuốc không bị ô-xi hóa nhanh làm mất tác dụng của thuốc.
Cho cá ăn thêm bột tỏi, DOXYCYCLIN, EKAVARIN trong khoảng thời gian từ 7 – 10 ngày với liều lượng của nhà sản xuất in trên bao bì sản phẩm.
Sau khi điều trị bằng kháng sinh xong bổ sung thêm cho cá các loại VITAMIN C, thuốc bổ gan để tăng cường sức đề kháng cũng như chống sốc cho cá.
Trong thời gian này không nên sử dụng phân chuồng bón xuống ao vì sẽ gây mất ô nhiễm môi trường.