Hà Lan có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển rất mạnh mẽ, nhắc tới nông nghiệp Hà Lan người ta sẽ nhớ ngay tới những đàn bò sữa trên khắp các cánh đồng. Hàng năm chỉ riêng ngành công nghiệp sữa ở Hà Lan đã chiếm 17% giá trị sản xuất nông nghiệp với sản lượng trung bình mỗi năm lên đến 1,3 triệu tấn sữa tương đương với 1,4 tỷ đô la Mỹ giá trị xuất khẩu.
Ở Hà Lan các quy trình chăn nuôi bò sữa luôn có sự hỗ trợ của hệ thống rô bốt, còn những người nông dân thì luôn tham gia vào các hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong sản xuất. Có những hợp tác xã chăn nuôi bò sữa đã có tuổi đời gần 150 năm được hình thành và duy trì với quy mô lên tới hơn 16.000 thành viên.
Hệ thống giám sát thú y luôn có mặt ở tất cả các trang trại một cách thường xuyên giúp quản lý và khống chế dịch bệnh và hơn hết những người nông dân chăn nuôi bò sữa ở Hà Lan luôn được tiếp cận với những chính sách thiết thực gắn liền với lợi ích của họ trong suốt quá trình làm nông nghiệp. Đó là những điều cốt yếu giúp ngành chăn nuôi bò sữa ở Hà Lan không chỉ lớn mạnh ở Châu Âu mà còn phát triển vươn tầm quốc tế như hiện nay.
Trang trại bò sữa của anh J.W.Jeroen
Hàng ngày anh J.W.Jeroen chuẩn bị bữa ăn cho đàn bò sữa gần 120 con, cả mùa đông và mùa hè đàn bò luôn được nuôi nhốt tại chuồng dù gia đình anh Jeroen có tới 3 hecta diện tích đất để trồng cỏ và chăn thả, chắc chắn anh có những lý do của riêng mình.
Nuôi đàn bò sữa trong nhà quanh năm đồng nghĩa với việc anh Jeroen sẽ phải chú trọng hơn tới khẩu phần ăn hàng ngày của bò. Ngoài cỏ khô ủ lên men với các loại ngũ cốc, các máy tính sẽ tự động đưa ra thực đơn bổ sung với hàm lượng dinh dưỡng riêng biệt cho từng cá thể bò thông qua hệ thống chíp điện tử. Thức ăn mà đàn bò sử dụng được nén dưới dạng viên với mùi vị hấp dẫn.
Cách mà anh Jeroen đang áp dụng trong chăn nuôi bò sữa của gia đình được gọi là phương thức không chăn thả hay nuôi nhốt tập trung, phương thức chuồng trại. Với ưu điểm không tốn diện tích rộng, năng suất của đất nông nghiệp có thể tận dụng tối đa, việc quản lý và chăm sóc tốt hơn và gia súc ít bị nhiễm kí sinh trùng nhưng cũng có những bất lợi như tốn công lao động để cắt cỏ, vận chuyển cỏ.
Ở Hà Lan chỉ có khoảng 20% số trang trại chọn phương thức này để nuôi bò và 80% các trang trại còn lại áp dụng chăn thả trên đồng cỏ.
Trang trại bò sữa của anh Hanengraat
Anh Hanengraat hàng ngày vẫn đều đặn thả đàn bò sữa của nhà đi ăn, cánh đồng cỏ chỉ nằm cách khu chuồng vài chục mét. Đàn bò sữa sẽ đi theo một con đường mà anh Hanengraat đã thiết lập sẵn. Đây cũng là cách để anh quản lý đàn bò nhà mình.
Đang là mùa hè nên mỗi ngày những chú bò của gia đình anh Hanengraat sẽ được chăn thả ra đồng từ 7 giờ sáng tới khoảng 3 giờ chiều chúng sẽ quay trở lại chuồng để chuẩn bị cho ca vắt sữa. Ước tính mỗi con bò sẽ cho khoảng 30kg sữa mỗi ngày.
Những người nông dân như anh Hanengraat luôn cố gắng giữ cho đàn bò của mình sống càng lâu càng tốt. Tuổi thọ của bò cũng góp phần quyết định tới sản lượng và chất lượng của sữa hay nói cách khác tuổi thọ của bò tác động trực tiếp tới lợi nhuận của người nông dân. Anh Hanengraat luôn dành cho đàn bò sữa những điều kiện chăm sóc tối ưu nhất từ hệ thống massage cho tới các thiết bị khoa học hiện đại có thể nhận biết được cảm xúc của đàn bò.
Ở Hà Lan những tiến bộ của khoa học công nghệ như vậy đã được áp dụng vào chăn nuôi bò sữa từ rất lâu, chúng được gọi là những rô bốt. Rô bốt không chỉ nhận diện, điều chỉnh thức ăn trong lịch trình hàng ngày của bò mà nó còn can thiệp cả vào khâu vắt sữa.
Như trang trại của ông Paul Schouten toàn bộ quy trình vắt sữa cho hơn 100 con bò của nhà ông đều được thực hiện hoàn toàn bằng hệ thống rô bốt hiện đại trong suốt 15 năm qua.
Mỗi đợt vắt sữa kéo dài từ 4 – 5 phút, mỗi con bò sẽ cung cấp sản lượng khoảng 10.000kg sữa trong vòng 305 ngày. Hệ thống luôn đảm bảo tạo được cảm giác thoải mái nhất cho những chú bò sữa.
Mỗi con bò có thể vắt sữa tối đa 4 lần trong một ngày, nhờ có hệ thống rô bốt những người như ông Paul Schouten có thể đạt được sản lượng sữa cao hơn thông thường khoảng 10% và tiết kiệm được cả nghìn giờ lao động mỗi năm.
Thường xuyên kiểm tra định kỳ đàn bò sữa
Mỗi trang trại bò sữa đều phải liên hệ với 1 bác sĩ thú y, các bác sĩ thú y sẽ định kỳ tới thăm và kiểm tra tình hình chung của các trang trại và sức khỏe của đàn bò ít nhất 4 lần trong một năm. Toàn bộ chi phí của các công việc thăm khám và tiền mua thuốc điều trị bệnh cho bò đều do các chủ trang trại tự chi trả. Những người nông dân luôn hiểu được về sự nguy hại của dịch bệnh đối với đàn bò sữa nên họ thường xuyên giữ liên lạc với các bác sĩ thú y.
Dữ liệu tại các trang trại sẽ được xử lý một cách cẩn trọng, nếu phát hiện ra dịch bệnh sớm thì những thiệt hại có thể không đáng kể nhưng trong chăn nuôi bò sữa mọi tình huống đều có thể xảy ra và tất nhiên hệ thống giám sát thú y của Hà Lan cũng luôn tính tới những trường hợp xấu nhất.
Các bác sĩ thú y không chỉ tới thu thập dữ liệu từ các trang trại chăn nuôi bò sữa mà họ còn thường xuyên trao đổi với các đồng nghiệp trong cùng hệ thống. Điều này giúp trung tâm sức khỏe động vật Hà Lan nắm bắt được tình hình chung về các đàn bò sữa trên cả nước.
Hà Lan có khoảng 20.000 trang trại với hơn 1,5 triệu con bò sữa tức là sẽ tương ứng với hệ thống 20.000 bác sĩ thú y đang hoạt động trên khắp các vùng miền của đất nước này. Nhờ hệ thống lớn mạnh và gắn bó mật thiết với từng trang trại nên tới nay Hà Lan đã khống chế được tình hình dịch bệnh trên đàn bò một cách triệt để giúp tạo ra đàn bò sữa khỏe mạnh cho sản lượng sữa ước tính khoảng 1,3 triệu tấn mỗi năm.
Sản phẩm sữa chất lượng nhất tới tay người tiêu dùng
Anh Hanengraat là thành viên của hợp tác xã Friesland Campina, một hợp tác xã bao gồm 16.000 thành viên chuyên chăn nuôi bò sữa.
Với mỗi trang trại các nhân viên thu mua sữa của hợp tác xã Friesland Campina sẽ kiểm tra nhiệt độ, màu sắc và mùi vị của sữa, thậm chí cả chỉ số kháng sinh tồn dư trong sữa bò cũng sẽ được theo dõi. Họ muốn chắc chắn về chất lượng sữa của trang trại này trước khi đưa tới nơi chế biến. Nếu các chỉ số kiểm tra không đạt thì toàn bộ lượng sữa vừa thu mua sẽ không tới được nơi tiêu thụ.
Theo quy định của Friesland Campina sữa kém chất lượng phải bị tiêu hủy nhưng trong quá khứ chưa từng có sự cố nào xảy ra như vậy, tại Friesland Campina sữa luôn đạt chất lượng tốt. Những người nông dân khi tham gia hợp tác xã luôn có ý thức rất cao về quyền lợi mà họ được hưởng.
Nhận được nhiều lợi ích khi tham gia vào hợp tác xã người nông dân sẽ có ý thức hơn về trách nhiệm của mình khi đưa ra thị trường những sản phẩm sữa đạt chất lượng nhưng đó vẫn chưa phải là yếu tố quyết định tới sự thành công của hợp tác xã này trong suốt 140 năm qua.
Hợp tác xã Friesland Campina có hơn 16.000 thành viên nghĩa là số lượng bò sữa sẽ lên tới hàng triệu con. Vì thế hợp tác xã Campina đã phải xây dựng một hệ thống các chỉ tiêu chi tiết để đảm bảo chất lượng sữa ở các trang trại không quá khác biệt với nhau khi xuất bán ra thị trường.
Chuỗi sản xuất cung ứng và kinh doanh sữa bò bền vững
Trung tâm nghiên cứu và phát minh quốc gia Dairy Campus Hà Lan, các chuyên gia đang tiến hành thử nghiệm với các đàn bò sữa. Tổng số bò được phân chia thành nhiều nhóm khác nhau tương ứng với các điều kiện chăm sóc, chăn thả ngoài trời hay trong nhà, mỗi con bò đều có mã số nhận diện.
Có rất nhiều các thử nghiệm đã được áp dụng hầu hết đều dựa trên các tập tính có sẵn của đàn bò. Những nhà khoa học ở đây cố gắng đặt các đàn bò sữa trong những điều kiện thực tế khác nhau để gia tăng độ chính xác của kết quả thử nghiệm. Tất nhiên vấn đề lợi nhuận của nông dân khi chăn nuôi bò sữa luôn là mối quan tâm hàng đầu. Các kết quả nghiên cứu sau đó sẽ được chuyển tới những người nông dân một cách kịp thời nhất.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu, việc áp dụng kịp thời các kết quả nghiên cứu khoa học đã khiến người nông dân ở đây có thể chủ động hơn trong cách chăm sóc đàn bò sữa của nhà mình.
Những chính sách quyết định tới lợi ích của người chăn nuôi bò sữa
Anh Jan Huitema hiện là thành viên của Nghị Viện Châu Âu, cách đây 4 năm anh là một nông dân chăn nuôi bò sữa. Gia đình anh có một trang trại trên diện tích 80 hecta với khoảng 130 con bò.
Rất nhiều những người làm chính sách tại đây đều có xuất thân là nông dân nên phần lớn các chính sách đưa ra đều thiết thực và gắn bó với lợi ích của những người nông dân chăn nuôi bò sữa. Có lẽ đó cũng chính là một trong những lý do tạo nên sự gắn kết và gần gũi giữa những nhà quản lý và người nông dân.
Không chỉ tác động tạo ra sự thay đổi những chính sách phù hợp với quyền lợi của người nông dân mà các nhà quản lý tại đây còn giúp đỡ người nông dân trong việc đưa ra những kế hoạch sản xuất phù hợp nhằm tạo được uy tín với chính phủ của họ.